5 điều thú vị ít biết về “Công viên kỷ Jura”

(Dân trí) - Nhân dịp hãng phim Universal Picture chuẩn bị cho ra mắt phần 4 của loạt phim “Công viên kỷ Jura”dưới định dạng 3D vào tháng sáu tới, chúng ta hãy cũng điểm qua những câu chuyện thú vị bên trong hậu trường của các tập phim trước đây.

1. Những con rối

 

Trong “Công viên kỷ Jura”, ông Steven Spielberg,đạo diễn của bô phim, đã sử dụng một cách khá dè xẻn những tiến bộ trong công nghệ sản xuất phim như tạo hình trên máy ví tính mà thay vào đó là sử dụng những hiệu ứng khá thô sơ.

 

Ví dụ như Stan Winston, bậc thầy về hiệu ứng và hóa trang màn bạc từng giành 4 giải Oscar cho hạng mục kỹ xảo, đã thiết kế một con khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex cao tới hơn 6m, được sử dụng kết hợp với mô hình thu nhỏ và tạo hình máy tính. Hay như trong phần I, tại phân cảnh rượt đuổi trong nhà bếp, hình ảnh sống động của hai con khủng long velociraptor khát máu chủ yếu được tạo hình bằng bởi hai con rối được người ở bên trong điểu khiển! Trong đoạn video giới thiệu, bạn có thể thấy những nỗ lực đáng kể của cả đoàn làm phim không chỉ trong việc thiết kế và hoàn thiện hai “bộ đồ” này mà còn cả trong việc cố gắng điều khiển con dã thú thời tiền sử.

 

2. Cá sấu, sư tử và hổ

 

Khủng long có thực sự tạo ra những tiếng gầm kinh hoàng như trong phim? Không ai có thể biết chắc chắn về điều đó! Chính vì lý do này, nhóm nghiên cứu hiệu ứng âm thanh từng đoạt giải Oscar của bộ phim đã “phù phép” cho âm thanh từcác loài động vật hiện đại trở thành những tiếng kêu man rợ của những sinh vật sống cách đây hàng trăm triệu năm. Thiên nga và ngỗng được sử dụng để giả tiếng cho loài khủng long cổ dài brachiosaurus. Tiếng gầm đáng sợ của loài bạo chúa T.rex được tổng hợp từ rất nhiều âm thanh của cá sấu, voi, gấu có túi, sư tử, hổ và cá voi. Để thể hiện tiếng thét mỗi khi tấn công của loài velociraptor, nhà thiết kế âm thanh Gary Rydstrom đã sử dụng âm tần thấp của loài hải mã kết hợp với âm tần cao của cá heo đực khi rít lên tìm bạn tình.
 
3. Cảm hứng từ nhóm nhạc Earth, Wind & Fire

 

3. Cảm hứng từ nhóm nhạc Earth, Wind & Fire

 

Đạo diễn Steven Spielberg luôn muốn đưa khán giả vào câu chuyện bằng những hình ảnh và cảm xúc chân thật nhất. Trước phân cảnh kinh hoàng khi lần đầu tiên con khủng long bạo chúa xuất hiện và điên cuồng lao tới chiếc xe ôtô đang chở những nhân vật trong phim, bạn có để ý tới tấm gương xe rung lên cùng với một ly nước gợn sóng lăn tăn? Spielberg đã bất chợt nảy ra ý tưởng này khi nhìn thấy gương xe đang rung bần bật trong lúc ông “gào rú” những ca khúc của ban nhạc Earth, Wind & Fire bên trong chiếc xe của mình! Chuyên gia hiệu ứng đặc biệt Michael Lantieri, người đã giành giải Oscar bởi những nỗ lực của mình,sau nhiều cố gắng để tìm cách làm sóng gợn trong ly nước một cách ưng ý nhất, cuối cùng đã may mắn thành công khi đánh đúng vào một dây đàn trên đàn ghi-ta, chiếc đàn mà sau này đã trở thành tăm xỉa răng cho chú khủng long bạo chúa.

 

4. Quảng cáo

 

Tại thời điểm đó, 68 triệu đô la Mỹ mà hãng phim Universal cùng các đối tác sử dụng để quảng cáo cho "Công viên kỷ Jura" đã lập kỷ lục trở thành nguồn ngân sách dành cho quảng cáo phim lớn nhất mọi thời đại, thậm chí còn nhiều hơn 8 triệu đô la so với ngân sách để sản xuất bộ phim. Theo tờ Chicago Tribune, Universal đã "ký hợp đồng với hơn 100 công ty kinh doanh để bán hơn 1.000 loại mặt hàng," trong đó bao gồm "áo phông, túi ngủ, nhân vật trong phim, trò chơi điện tử, đồng hồ, câu đố, ván trượt, sách tô màu và bàn chải đánh răng”. Tất nhiên, không ai có thể quên quảng cáo xuất Happy Meal của nhà hàng McDonald với phần khoai tây chiên "có kích thước lớn như khủng long"!

 

5. Không có đề cử cho nhà soạn nhạc John Williams

 

"Công viên kỷ Jura" đã giành cả 3 giải Oscar mà bộ phim được đề cử: hiệu ứng âm thanh xuất sắc nhất, hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất, và biên tập âm thanh xuất sắc nhất. Tuy vậy, nhà soạn nhạc nổi tiếng John Williams cho bộ phim ăn khách này lại không giành được đề cử nào. Có lẽ các thành viên trong hội đồng ban giám khảo không muốn dành tận hai đề cử trong cùng một năm cho đồng nghiệp của đạo diễn Spielbert, khi ông đã được đề cử (và chiến thắng) với bộ phim “Schindler’s List” trong năm đó. Tuy nhiên, việc được đề cử cho hai bộ phim khác nhau trong cùng một năm không phải xa lạ với ông Williams. Nhà soạn nhạc tài ba này đã từng giành được đề cử cho nhiều hơn một bộ phim 13 lần trong sự nghiệp của mình. Một trong số đó là vào năm 1978, tác phẩm trong bom tấn "Star Wars" của ông đã đánh bại một tác phẩm khác do chính ông tạo ra cho Spielberg trong phim "Close Encounter of the Third Kind."

 

Huy Đạt