116 huy chương được trao tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024
(Dân trí) - Tối 15/11, Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 chính thức bế mạc tại Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ, đánh dấu thành công của một kỳ liên hoan sôi động, chất lượng.
Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 là hoạt động do Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chủ trì, phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thành phố Cần Thơ tổ chức.
Phát biểu bế mạc, ông Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch - khẳng định, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 là hoạt động nghề nghiệp chuyên nghiệp nhằm phát hiện, tôn vinh những tác phẩm, vở diễn và những cá nhân có thành tích trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật của sân khấu cải lương.
Đồng thời, đây là cơ hội để nghệ sĩ, diễn viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn và chất lượng biểu diễn nghệ thuật cải lương phục vụ nhân dân.
Sự kiện năm nay có sự tham gia của hơn 1.000 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 29 đơn vị nghệ thuật cải lương trong và ngoài công lập với 33 vở diễn.
Đánh giá về chất lượng nghệ thuật liên hoan, tác giả Nguyễn Sỹ Chức - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - nhận định, đề tài được khai thác qua các vở diễn tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 rất phong phú và đa dạng về phong cách thể hiện.
Tại liên hoan đã xuất hiện nhiều vở diễn đạt chất lượng nghệ thuật cao; chủ đề, tư tưởng rõ ràng, sâu sắc.
Đội ngũ đạo diễn cũng đã chứng minh được vai trò của mình với trọng trách "trưởng ê-kíp sáng tạo vở diễn". Đặc biệt, tất cả nghệ sĩ, diễn viên tham dự liên hoan đều đã khẳng định được tình yêu dành cho nghệ thuật cải lương và khát khao được thể hiện tài năng trước khán giả, đồng nghiệp.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật liên hoan, cùng với những vở diễn được dàn dựng công phu, vẫn còn xuất hiện một vài vở diễn bị "phô" về việc xác định vấn đề; kết cấu kịch bản và tổ chức mâu thuẫn, xung đột kịch còn bất hợp lý...
Một số vở quá lạm dụng công nghệ mà quên đi phương pháp "tượng trưng, ước lệ" của sân khấu truyền thống.
Ngoài ra, cũng có một số đơn vị dự thi là đơn vị nghệ thuật xã hội hóa dường như chỉ mới quan tâm đến việc diễn viên thủ vai chính hoặc thứ có thể có được huy chương.
"Vì thế, việc đầu tư cho vở diễn từ khâu chọn kịch bản, ê kíp sáng tạo, âm nhạc và trang trí vở diễn để tạo nên một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh, có chất lượng nghệ thuật cao chưa có sự quan tâm đúng mức, dẫn đến kết quả không cao", ông Nguyễn Sỹ Chức nhận định.
Chung cuộc, ban tổ chức đã trao huy chương vàng cho 4 vở diễn xuất sắc nhất, gồm: Xuân Hương nữ sĩ (Nhà hát Cải lương Hà Nội), Người con của rừng tràm (Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An), San hô đỏ (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), Chất ngọc - Cầm thi giang (Nhà hát Tây Đô).
Bên cạnh đó 8 huy chương bạc cũng được trao cho các vở diễn ấn tượng khác.
Ban tổ chức cũng trao 41 huy chương vàng, 63 huy chương bạc dành cho các diễn viên xuất sắc.