Gia Lai:
Những “tai nạn” cười ra nước mắt của người chăm đẻ chuyên nghiệp
(Dân trí) - Mỗi tháng kiếm được cả chục triệu đồng nhưng một số người chăm đẻ dù tuổi đã lên chức bà ngoại cũng không tránh khỏi “tai nạn” cười ra nước mắt với những ông chồng đang có vợ nằm ổ.
Với những người dân nam miền Trung và Tây Nguyên, việc chăm sóc phụ nữ sau sinh là khâu rất quan trọng. Bởi phụ nữ sau khi sinh cơ thể rất yếu, mất nhiều máu nên dễ mắc nhiều chứng bệnh kinh niên, không chỉ vậy, việc làm cho sản phụ “thay da đổi thịt” đúng như câu “gái một con trông mòn con mắt” là khá quan trọng. Nên với những sản phụ sống ở nam miền Trung và Tây Nguyên thì khi chuẩn bị sinh đều được đón về mẹ đẻ để tiện chăm sóc sau lúc lâm bồn. Còn với nhiều gia đình, vì nhiều lý do mà phải thuê người về chăm đẻ.
Thời gian thuê người chăm đẻ thường 1-2 tháng (tùy điều kiện gia đình). Người chăm đẻ sẽ ở luôn nhà sản phụ và được bao ăn, ở. Chính vì vậy, những người chăm đẻ thường là phụ nữ có tuổi đời từ 50-60 tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc mẹ con sản phụ.
Cô Lan (57 tuổi, trú phường Yên Đổ, TP Pleiku, Gia Lai) cho biết, cô làm nghề chăm đẻ đã được gần chục năm nay, nghề này đã giúp cho kinh tế gia đình cô khá ổn định. Cô cũng được rất nhiều người tìm đến nhờ chăm đẻ “mát tay”. Vậy mà cách đây khoảng 2 năm cô Lan từng gặp một “tai nạn” nhớ đời khiến cô chỉ nhận lời chăm đẻ trong thành phố Pleiku và chỉ ở ngày chứ không ở đêm.
Chả là trong một lần chăm đẻ cho một sản phụ, vì vợ đẻ không “làm ăn” được gì, khiến ông chồng bức bối về mặt sinh lý. Trong một lần đi nhậu về, anh chồng đã không làm chủ được hành vi liền mò vào phòng cô Lan và có ý định sàm sỡ. Vừa giật mình, vừa hoảng sợ cô Lan liền hét toáng và tìm đường chạy ra ngoài, sáng hôm sau cô Lan dọn đồ một đi không trở lại.
“Tai nạn” này cứ ám ảnh cô Lan mãi nên cô quyết không bao giờ ở lại đêm khi chăm đẻ, trừ khi ông chồng làm ở xa, vắng nhà: “Mình đáng tuổi mẹ mấy đứa mà do nó say quá không biết mình đang làm gì, thông cảm nhưng mình rất xấu hổ và sợ hãi. Người ngoài không biết thì thôi chứ biết thì còn mặt mũi nào nữa, rồi tội mấy đứa vừa đẻ xong, nó biết chuyện thì dễ bị sản hậu lắm. Nên từ đó, tôi không bao giờ ở lại đêm nữa, bớt tí tiền nhưng đỡ gặp chuyện không hay”, cô Lan chia sẽ.
Một câu chuyện khác của một gia đình ở phường Ia Kring (TP Pleiku) khiến nhiều người không khỏi xót xa. Khi người chị sinh con đầu lòng, cô em gái chưa chồng từ quê Bình Định lên giúp chị các công việc nhà… Thời gian chị nằm cữ chưa đầy tháng, ông anh rể đã không nhịn được, “dụ dỗ” luôn em vợ. Người em do còn trẻ người non dạ nên cũng phải lòng anh rể và 2 người đã đi quá giới hạn, khiến cô em có thai.
Khi sự việc vở lỡ thì mọi chuyện đã rồi, vừa tức giận, vừa xót xa nhưng cô em quyết không chịu rời xa “anh rể” và họ đã phải sống chung trong một gia đình, bất chấp sự dèm pha của hàng xóm. Và qua nhiều năm nay, 2 chị em đã hạ sinh cả chục đứa con với người đàn ông này: “Cứ cô chị sinh thì cô em chăm sóc và ngược lại”, một người hàng xóm cho biết.
Tuy nhiên, việc 2 chị em chung chồng lại sống chung một mái nhà nên nhiều lúc đã nảy sinh mâu thuẫn, rồi bi kịch đã xảy ra: “Bà dì mình sống khá ích kỉ, thường xuyên xúi ba mình đánh mẹ. Vừa tức giận, vừa xấu hổ và quá buồn nên cách đây vài năm mẹ đã thắt cổ để giải thoát cuộc đời mình”, một người con của người chị buồn nói.
Mỗi nghề đều có những khó khăn riêng của nó, và nghề chăm đẻ cũng vậy, những “tai nạn” trên chỉ là hy hữu mà không phải ai cũng gặp.
Thiên Thư