Vì sao hệ thống tên lửa phòng không Nga không có đối thủ?
(Dân trí) - Chuyên gia quân sự Andrei Kots của Nga đã lý giải vì sao các hệ thống tên lửa phòng không của Nga hiện chưa có đối thủ tương xứng trên thế giới.
Theo ông Andrei Kots, Nga từ lâu đã rất coi trọng mục tiêu phát triển hệ thống tên lửa phòng vệ và coi đó là lợi thế cạnh tranh của nền công nghiệp quốc phòng nước này. Ngoài yếu tố kỹ thuật, yếu tố về con người và chiến thuật dường như luôn là điều mà quân đội Nga quan tâm và đây có thể được coi là điều làm nên điểm mạnh của hệ thống phòng không Moscow.
Trong cuộc tập trận gần đây ở vùng Astrakhan, hệ thống phòng không S-300PMU-2 "Favorit” đã đẩy lùi và tiêu diệt gọn một cuộc tấn công giả định có quy mô lớn bằng tên lửa hành trình.
Theo đại tá Mikhail Khodaryonok, một quân nhân dày dạn kinh nghiệm trong lực lượng phòng không, mỗi cuộc tập trận của Nga được chuẩn bị rất công phu và mọi thông tin quan trọng đều được ghi chép lại. Ngay cả những lỗi sai, những lần bắn hỏng, bắn trượt đều được đúc rút lại nhằm giúp cho các quân nhân rút ra bài học khi thực chiến.
Ông Kots cho hay mỗi cuộc tập trận phòng không thường chia làm 2 giai đoạn. Trong giai đoạn chuẩn bị, các đơn vị phòng vệ sẽ thực hành bắn với các mục tiêu giả lập tên lửa làm bằng điện tử. Sau đó, các đơn vị sẽ được luyện tập thực chiến từ việc dò các mục tiêu, đánh chặn, theo dõi, cung cấp các thông tin để hợp tác bắn hạ tên lửa. Cái giá phải trả nếu xảy ra sai sót là khá cao vì các mục tiêu đánh chặn là tên lửa thực sự vì vậy các quân nhân Nga luôn được rèn luyện khả năng tập trung cao độ trong mọi tình huống.
Theo ông Kots, Nga luôn xem xét các đối thủ, điểm mạnh, điểm yếu khi phát triển hệ thống phòng không. Hai hệ thống S-300 và S-400 không phải ngẫu nhiên được trang bị tính năng bắn nhiều mục tiêu, bắn cùng lúc cũng như khả năng đánh chặn mục tiêu bay tầm thấp và khó nhận biết. Sự toàn diện trong hệ thống phòng thủ Nga đảm bảo cho việc bảo vệ các căn cứ và các cơ sở quan trọng một cách an toàn nhất có thể.
Mô hình hệ thống phòng không ở căn cứ không quân Hmeimim ở Syria là một trong những ví dụ điển hình của chiến thuật phòng thủ phức tạp của Nga. Lớp phòng thủ ngoài cùng là hệ thống S-400 Triump chuyên xử lý những mục tiêu tầm xa. Lớp phòng thủ thứ 2 bao gồm hệ thống S-300F Fort hoặc biến thể hải quân S-300P với sự hỗ trợ của tổ hợp phòng không Buk-M2E của Syria. Lớp trong cùng là tổ hợp pháo-tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Nga, che chắn, “bọc lót” cả cả căn cứ và trận địa S-400. Thêm vào đó, các máy bay chiến đấu Su-30SM và Su-35 luôn thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên bầu trời nhằm sẵn sàng ứng phó với mọi đòn tấn công.
Các lớp phòng thủ hoạt động rất nhịp nhàng và ăn khớp với nhau. Khi radar thông báo về hoạt động đáng ngờ, ngay lập tức các tổ hợp phòng không sẽ chuyển sang giai đoạn “sẵn sàng cấp độ 1” từ các vũ khí cho tới các quân nhân chiến đấu bằng tổ hợp tên lửa phòng không vác vai.
Ngoài ra, dàn khí tài quân sự phòng không Nga sở hữu có sức mạnh "rất đáng nể". Ông Kots nhấn mạnh, S-400 hiện thời là hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu khí động học từ máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình ở tầm xa 400 km và tầm cao 30 km.
Tuy nhiên, đến năm 2020, Nga sẽ dự kiến đưa hệ thống S-500 vào biên chế. S-500 thậm chí còn có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo liên lục địa hoặc vệ tinh đang bay trong quỹ đạo thấp. Sự có mặt của S-500 cùng với các tổ hợp tên lửa phòng không khác có thể đảm bảo cho vị trí hàng đầu của Nga trong lĩnh vực phòng thủ ít nhất trong vài năm tới.
Đức Hoàng
Theo Sputnik