Xu hướng đón Tết của giới trẻ ra sao?
(Dân trí) - Nhiều người trẻ chọn cách "thả mình" vào những cung đường, thăm thú các danh lam thắng cảnh thay vì đoàn tụ cùng gia đình.
Đón Tết xa nhà để tăng trải nghiệm sống
Năm 2019, Hiền Vy (36 tuổi, ngụ Bình Thuận) đã lên kế hoạch khám phá miền Bắc suốt 6 tháng và đón Tết nguyên đán tại Hà Giang.
"Hàng chục năm nay, tôi chưa từng ăn Tết xa nhà nên có ý định thử xem sao. Đời sống, văn hóa của phía Bắc rất khác với quê nhà Bình Thuận nên chắc sẽ có trải nghiệm thú vị", Hiền Vy chia sẻ.
Trái với sự háo hức của Vy, khi biết được ý định này, mẹ cô gái đã phản đối kịch liệt. Điện thoại Vy liên tục đổ chuông, bên kia là giọng nói đầy lo âu của mẹ: "Sao Tết con không về, rồi ai phụ dọn nhà, nấu nướng?", "Một năm có mấy ngày, không đi thăm họ hàng coi sao được"...
Than phiền là vậy nhưng cuối cùng, mẹ cô gái đành gật đầu đồng ý vì không thể ngăn được bước chân Vy.
"Tết ở Hà Giang của tôi thật khác biệt. Thời tiết chỉ khoảng từ 10 đến 15 độ C, ít nắng, mưa và nhiều mây. Tôi di chuyển giữa những triền núi bằng xe máy, ngắm mai anh đào nở rộ. Thi thoảng tôi đứng sững trước vẻ đẹp của hoa mơ, hoa cải…", Vy nói.
Cô gái cho biết đã được ăn Tết cùng người Lô Lô. Trước thềm giao thừa, họ sẽ mổ lợn để cúng tất niên (tương tự người Kinh). Con lợn gia đình nuôi cả năm được cúng tổ tiên sau đó đưa đi làm thành nhiều món đãi họ hàng, bạn bè, hàng xóm xung quanh. Phần thịt còn lại thì treo ở bếp thành món thịt treo gác bếp. Các gia đình sẽ lần lượt ăn tiệc từ nhà này đến nhà khác.
Ngoài ra, dịp Tết là thời điểm cho các cô gái người H'Mông, người Dao khoác lên mình những bộ trang phục rực rỡ. "Tôi cũng đã thử và chúng thật đẹp…", Vy khoe.
Ngày nay, nhiều bạn trẻ đã chọn cách đi du lịch thay vì đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết nguyên đán. Sự lựa chọn này thường bắt nguồn từ sở thích cá nhân, mong muốn được trải nghiệm, tận dụng tối đa thời gian nghỉ phép. Và đặc biệt hơn nữa, xu hướng này đang phổ biến trong giới trẻ làm việc tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Mặc dù dịp Tết, chi phí di chuyển, vé máy bay, tàu xe đều cao gấp 2-3 lần so với thời điểm bình thường, thế nhưng giới trẻ hiện nay luôn mong muốn. Các địa du lịch nổi tiếng như Đà Lạt, Nha Trang, Ninh Bình,… luôn là lựa chọn hàng đầu của họ để tăng trải nghiệm sống ở các vùng đất văn hóa khác nhau.
Anh Lê Vũ Phong (29 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) đã trải qua năm 2022 đáng nhớ cùng hàng loạt chuyến thăm thú Nha Trang, Phú Yên, Nghệ An, Đồng Tháp, Cà Mau, Bạc Liêu...
Đang hành nghề sáng tạo nội dung trên nền tảng YouTube nên công việc bắt buộc anh phải đặt chân đến nhiều vùng đất và tăng trải nghiệm bản thân. Anh Phong chia sẻ: "Dịch Covid-19 làm thay đổi mọi quan điểm sống của mình. Công việc mang đến tiền bạc, nhưng chính những chuyến đi mới là một dạng "của cải". Càng đi, càng thấy "lời", thêm vốn sống, kiến thức… Vì vậy, trong năm qua, mình luôn cân bằng công việc để du hí được khoảng 2/3 đất nước Việt Nam".
Trong dịp Tết Quý Mão 2023, anh Phong cho biết sẽ chia số ngày nghỉ làm hai phần. Khoảng thời gian từ 23 tháng Chạp anh sẽ trở quê nhà Phú Yên để cùng gia đình chuẩn bị kho thịt, nấu bánh… đón không khí Tết. Sang Giao thừa, anh lại bắt đầu bắt đầu hành trình mới.
"Năm nay, mình dự tính bay ra Hà Nội thăm một số người bạn rồi lên Hà Giang, Cao Bằng… Bố mẹ đã biết trước dự tính và luôn thông cảm, động viên mình cứ đi để biết nhiều hơn", chàng trai 29 tuổi nói.
Những lưu ý để đón Tết xa nhà thật ý nghĩa
Theo Tổng cục du lịch Việt Nam, số lượng du khách nội địa trong 8 tháng đầu năm 2022 đã tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19, và gần bằng số lượng du khách cả năm 2019 (85 triệu lượt). Đây là con số ấn tượng đánh dấu sự bùng nổ của thị trường du lịch nội địa và nước ngoài.
Mọi năm, chị Ngọc Linh (25 tuổi, ngụ quận 5, TPHCM) sẽ trở về quê Vĩnh Long vào 23 tháng Chạp bằng ô tô của gia đình. Chị sắp xếp thời gian dọn dẹp nhà cửa, mua sắm, nấu ăn và đón Tết bên cạnh người thân.
Tuy nhiên, mùng 2 Tết năm nay, chị đã quyết định đặt vé máy bay với giá cao hơn để sang Bangkok (Thái Lan) trải nghiệm không khí đón Tết xa nhà. "Khác với việc chỉ quanh quẩn bên gia đình, đây là món quà tự thưởng cho bản thân sau thời gian làm việc vất vả, đồng thời tăng cảm xúc, cảm hứng làm việc cho mình hơn", chị Linh tâm sự.
Là người trải qua nhiều cái Tết xa nhà, Hiền Vy đã chia sẻ với mọi người nhiều kinh nghiệm.
Theo đó, giao thừa là khoảnh khắc dễ khiến người ta mủi lòng và nhớ nhà, vì vậy phải chuẩn bị sẵn tinh thần. "Lúc giao thừa tôi rủ một số người ra quanh đống lửa, sau đó gọi điện về cho mẹ hỏi thăm cả nhà. Sau bữa tiệc đón giao thừa thì tâm trạng vui vẻ của tôi đã trở lại", Vy nói.
Theo quan điểm của Hiền Vy, người trẻ nên có những trải nghiệm mới lạ vì qua đó có nhiều bài học, trải nghiệm sống.
"Bạn cần chuẩn bị chu đáo cho chuyến đi phòng khi một số dịch vụ sẽ nghỉ. Ngoài ra, cần chuẩn bị dự phòng quần áo và thức ăn vì sẽ có tình huống bất trắc xảy ra", chị chia sẻ thêm.
Du lịch nước ngoài bắt đầu nở rộ
Trong năm 2022, Ngọc Ngân (27 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) đã đi tổng cộng 6 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm: Thái Lan, Singapore, Indonesia, Đài Loan, Nepal, Ấn Độ. Chi phí của các chuyến xê dịch được trích ra từ thu nhập hàng tháng và tiền tiết kiệm của cô gái.
Ngân cho biết, bản thân là một người "nghiện" đi. Sau 2 năm tạm hoãn vì dịch Covid-19, cô "chi" khá mạnh tay để cho phép mình trở lại các đường bay quốc tế.
Ngân nói giai đoạn Covid-19, bản thân rất muốn được đi lang thang khắp vỉa hè, con phố, nằm ở bãi biển hay leo trên đỉnh núi cao chót vót nhưng chưa thực hiện được. Giờ mọi thứ đã ổn trở lại, cô cho biết sẽ thực hiện ý định đó của mình.
"Quy định phòng chống Covid-19 ở từng quốc gia sẽ khác nhau. Thái Lan khá cởi mở, bạn không cần phải đưa giấy xét nghiệm, cách ly hay chứng minh tiêm phòng vắc-xin như trước. Ở một số khu vực, họ cũng không cần phải mang khẩu trang", cô gái ở quận 8, TPHCM nói.
Ngân bảo, cô khá hài lòng khi hoàn thành dự định đặt chân đến Đài Loan. Chuyến đi này giúp cô khám phá đời sống chợ đêm, tìm hiểu lòng yêu thương động vật của họ, trải nghiệm tắm suối nước nóng…
Giống Ngân, Thảo Vy (25 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cũng đã dành toàn bộ tiền thưởng 7 triệu cuối năm cho chuyến thăm thú Thái Lan 5 ngày 4 đêm. Đây là lần đầu tiên cô "xuất ngoại". Nữ phóng viên của một tờ báo cho biết cô rất háo hức.
"Mình nghĩ đi du lịch nước ngoài sẽ mở ra cơ hội tìm hiểu về ẩm thực, văn hóa, con người của nước bạn. Đây là một cách để bản thân mình học hỏi, trau dồi và có thêm nhiều kỹ năng mềm", Phương Vy nói thêm.