Xem ngư dân khoan cắt băng thu hoạch cá giữa cái lạnh -20 độ C ở biển hồ
(Dân trí) - Giữa cái lạnh -20 độ C, người dân ở vùng Altay thuộc khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, bước vào mùa lễ hội câu cá trên băng.
Lễ hội câu cá mùa đông diễn ra hàng năm ở huyện Phú Hải vừa khai mạc tại hồ Ulungur phủ đầy tuyết thuộc vùng Altay, khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc. Đây là thời điểm loài cá nước lạnh ngon nhất với thịt mềm béo đặc biệt.
Ulungur còn được gọi là "biển hồ ở sa mạc Gobi". Với diện tích 1.035km2, đây là một trong những hồ nước lớn nhất tại quốc gia này.
Ulungur được chia thành hai, gồm hồ Buluntuo và hồ Jili nhỏ hơn. Vào những năm 1960, do được sử dụng cho thủy lợi, lượng nước sông Ulungur đổ vào hồ giảm rõ rệt.
Tới năm 1970, một kênh đào được xây ở giữa Ulungur và sông Irtysh nhằm điều hướng dòng nước. Năm 1988, công trình được mở rộng và mực nước trong hồ phục hồi. Và hồ nước này nổi tiếng nhất với lễ hội câu cá trên băng vào mùa đông với lịch sử hơn 60 năm tồn tại.
Mùa lễ hội năm nay thu hút rất đông du khách ghé thăm bất chấp nhiệt độ ngoài trời hạ sâu xuống chỉ khoảng -20 độ C. Được biết, dù công nghệ phát triển nhưng ngư dân địa phương vẫn giữ thói quen dùng phương pháp truyền thống để thu hoạch cá.
Đầu tiên, các ngư dân sẽ đục lỗ trên mặt hồ, xuyên qua lớp băng dày khoảng một mét và thả lưới xuống. Từng đợt cá tươi sống được vớt lên qua những mẻ lưới đầy, được du khách có mặt tại hiện trường hỏi đặt mua luôn.
Một phần cá được tiêu thụ ngay, phần còn lại sẽ vận chuyển tới nhiều vùng lân cận hoặc chuyển đi tiêu thụ khắp cả nước. Mỗi mùa lễ hội đánh bắt như vậy mang lại nguồn thu lớn cho người dân địa phương.
Trong lễ hội năm nay, mẻ cá đầu tiên được bán đấu giá, thu về 62.700 USD (gần 1,5 tỷ đồng).
Trung Quốc vốn nổi tiếng với những lễ hội câu cá trên băng. Vào thời điểm tháng 1 hàng năm, khi mặt hồ đóng băng cũng là lúc lễ hội đánh cá trên hồ Chagan ở tỉnh Cát Lâm bước vào vụ. Đây cũng là lễ hội đánh bắt nổi tiếng với lịch sử lâu đời. Theo tương truyền, phương pháp đánh bắt có từ đời nhà Liêu (916-1125) nhưng vẫn được người dân gìn giữ và áp dụng cho tới ngày nay.