Xem cách Trung Quốc thuần hóa sông Hoàng Hà suốt hàng nghìn năm qua

Huy Hoàng

(Dân trí) - Từ nền văn minh trong quá khứ cho tới thời điểm hiện tại, người Trung Quốc đã "chế ngự" sông Hoàng Hà và khai thác hết tiềm năng của nó ra sao?

Hoàng Hà là dòng sông dài thứ 2 tại Trung Quốc và dài thứ 6 trên thế giới. Nó đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, thậm chí được mệnh danh là "sông Mẹ" của "quốc gia tỷ dân".

Bắt nguồn từ tỉnh Thanh Hải, dòng sông còn là cái nôi của nền văn minh Trung Hoa. Sông chảy qua 8 tỉnh và khu tự trị, trước khi đổ về biển Bột Hải ở tỉnh Sơn Đông.

Xem cách Trung Quốc thuần hóa sông Hoàng Hà suốt hàng nghìn năm qua - 1
Vẻ đẹp hùng vỹ của sông Hoàng Hà (Ảnh cắt từ clip).

Sở dĩ có tên gọi Hoàng Hà xuất phát từ màu nước. Khi chảy qua cao nguyên Hoàng Thổ, Trung Quốc, nước sông có màu vàng và đục.

Tuy nhiên, khác với vẻ đẹp hùng vỹ thường thấy, Hoàng Hà còn được coi là "nỗi buồn của Trung Quốc" vì nơi này thường xuyên xảy ra những trận lụt lội nguy hiểm.

Ngăn chặn thiên tai từ sông Hoàng Hà là mục tiêu hàng nghìn năm trước từ thời cổ đại. Và ngày nay, chính phủ Trung Quốc cũng không là ngoại lệ.

Vậy điều gì khiến "sông mẹ" dễ bị tổn thương trước thiên tai tới mức nó bị coi là "nỗi buồn của Trung Quốc"? Từ nền văn minh trong quá khứ tới hiện tại đã làm gì để chế ngự và khai thác hết tiềm năng của nó?

Để trả lời câu hỏi này, cần quay lại thời điểm quá khứ.

Xem cách Trung Quốc thuần hóa sông Hoàng Hà suốt hàng nghìn năm qua - 2
Dòng sông là cái nôi hình thành nên nền văn minh Trung Hoa (Ảnh: CGTN).

Suốt hàng nghìn năm qua, dòng sông liên tục xuất hiện "những cơn thịnh nộ". Điều này thể hiện qua các trận lũ lụt và hạn hán, từng khiến hàng triệu người đói khổ hoặc mất mạng.

Với tuyến đường thủy dài 5.464km, dòng sông cung cấp nước cho hơn 60 thành phố, tưới tiêu khoảng 15% đất nông nghiệp, duy trì cuộc sống cho 114 triệu người. Bởi vậy, việc bảo vệ dòng sông trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.

Hàng thế kỷ qua, những người cai trị ở các triều đại tại Trung Quốc đều nỗ lực rất lớn để tìm cách "thuần hóa" dòng sông, nếu không sẽ đứng trước nguy cơ bị lật đổ ngôi báu.

Sông Hoàng Hà mang theo lượng phù sa lớn bắt nguồn từ đất bị rửa trôi sau hàng nghìn năm chặt phá rừng. Điều này khiến lòng sông nâng cao lên.

Từ thời cổ đại, những người cai trị các triều đại "thuần hóa" dòng sông bằng cách xây đê, đập. Nhưng nỗ lực này lại phản tác dụng. Do trầm tích tích tụ dưới lòng sông và nó lên cao hơn khiến lũ lụt càng dễ xảy ra. Việc xây thêm đê khiến sông tiếp tục dâng cao, trở thành vòng tuần hoàn khắc nghiệt.

Xem cách Trung Quốc thuần hóa sông Hoàng Hà suốt hàng nghìn năm qua - 3
Cảnh tượng hùng vỹ nhìn từ trên cao (Ảnh: Xinhua).

Tài liệu cổ ghi chép cho thấy, từ năm 602 trước Công nguyên đến năm 1949, dòng sông tràn đê gần 1.600 lần. Thậm chí có thời điểm bị đổi dòng chảy.

Tới thời điểm hiện tại, con sông lại nảy sinh vấn đề mới. Thế kỷ 20 và 21, khi nền kinh tế Trung Quốc phát triển khiến nhu cầu nước tăng mạnh. Từ cuối những năm 1980, lượng mưa giảm cùng với đó mức tiêu thụ nước tăng khiến nước sông cạn nhanh hơn mức được bổ sung. Điều này dẫn tới hiện tượng sông ngừng chảy ra biển. Đến nay đã trở thành hiện tượng hàng năm.

Để giải quyết vấn đề này, năm 1998, chính phủ Trung Quốc cho triển khai kế hoạch thường niên nhằm giới hạn lượng nước mà mỗi tỉnh dọc theo con sông có thể lấy. Năm 2001, trạm thủy điện Xiaolangdi hoàn thành để giữ hơn 12,5 tỷ m3 nước.

Ngoài ra, Ủy ban bảo tồn sông Hoàng Hà được hình thành, có chức năng ngăn lũ lụt, quản lý lượng phù sa tích tụ trên sông. Một hệ thống hồ chứa đi vào hoạt động trên sông giúp tích trữ nước lũ dư thừa vào mùa mưa và xả ra vào mùa khô. Hệ thống này có thể xả nước để rửa chất lắng đọng tích tụ dưới lòng sông.

Xem cách Trung Quốc thuần hóa sông Hoàng Hà suốt hàng nghìn năm qua - 4
Tại nhiều điểm nơi sông Hoàng Hà chảy qua, chính quyền địa phương còn lập rào chắn nhằm đảm bảo an toàn để du khách chiêm ngưỡng (Ảnh: Tao Ming).

Bên cạnh đó, Trung Quốc bắt tay vào chiến dịch trồng rừng. Diện tích có cây che phủ dọc theo hai bên dòng sông tăng 44%, giúp ngăn nước mưa cuốn trôi đất. Năm 2023, luật bảo vệ sông Hoàng Hà được thông qua nhằm xử lý việc sử dụng nước ngầm.

Nhờ hàng loạt biện pháp kể trên đã duy trì dòng chảy của sông Hoàng Hà suốt 22 năm qua. Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, tương lai của dòng sông "rất khó dự đoán". Tuy nhiên, khi lòng sông nâng lên chậm lại sẽ giúp giảm nguy cơ lũ lụt.

Xem cách Trung Quốc thuần hóa sông Hoàng Hà suốt hàng nghìn năm qua - 5
Du khách ngắm nhìn vẻ đẹp của sông Hoàng Hà vào mùa đông (Ảnh: Xinhua).

Không chỉ nuôi dưỡng sự sống, từ lâu sông Hoàng Hà nổi tiếng với vẻ đẹp hùng vỹ. Ở nhiều khu vực nơi dòng sông chảy qua đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng. Đặc biệt vào mùa đông, khi các tuyến đường thủy đóng băng trắng xóa dài hàng chục km, tạo nên khoảnh khắc ngoạn mục.

Thông thường, từ giữa tháng 12 tới cuối tháng 2 hàng năm, băng sẽ hình thành trên sông. Đây cũng là dịp quan trọng để du khách tới thưởng lãm, ngắm nhìn vẻ đẹp ấn tượng của tự nhiên.