Xách đồ giúp người lạ ở sân bay, nguy cơ thành tội phạm trong tích tắc
(Dân trí) - Các chuyên gia ngành hải quan nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn tinh vi của tội phạm ma túy vận chuyển qua đường hàng không "núp bóng" dưới việc nhờ người cầm giúp đồ.
Bất cứ hành khách nào cũng có thể trở thành nạn nhân của đường dây tội phạm ma túy. Đây là vấn đề nan giải xuất hiện ở nhiều quốc gia. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc không nắm rõ quy tắc cơ bản, hoặc đôi khi chỉ là lòng tốt muốn giúp đỡ.
Năm 2013, một hành khách có tên Hom Kosal, mang quốc tịch Campuchia, bị bắt vì tội "vận chuyển trái phép chất ma túy". Tại phiên tòa, Kosal khai nhận không trực tiếp cất giấu 5kg ma túy vào vali mà bị những "người quen" trước đó lừa vận chuyển hộ.
Trên mạng xã hội trực tuyến Quora, một tài khoản đặt câu hỏi "có nên hỗ trợ người lạ mang đồ ở sân bay hay không", nhận được sự bàn luận "rôm rả" từ phía cộng đồng mạng. Trong đó, một tài khoản có tên Kirsten Hart đã kể lại một trải nghiệm khó quên của mình.
Kirsten cho biết, có lần cô phải ngồi ở sân bay 6 tiếng vì hoãn chuyến. Gần như xung quanh không có ai vì cô ngồi ở khu vực ghế có trạm sạc điện thoại. Người ngồi gần nhất cách tầm 6-10 ghế. Anh ta mang theo một chiếc hộp lớn giống như một loại nhạc cụ có dây.
Khi Kirsten đang mải nói chuyện điện thoại với bạn trai, thì người đàn ông đứng dậy ngỏ ý nhờ cô tới trông đồ giúp để đi mua đồ ăn. Kirsten khá lưỡng lự nhưng rồi quyết định ngồi im tại chỗ và nói sẽ để ý giúp. Sau đó người đàn ông rời đi.
Mọi chuyện tưởng chừng sẽ dừng ở đó. Cho tới khi Kirsten đứng dậy xếp hàng chờ lên máy bay, cô phát hiện người đàn ông lúc nãy đã bị hai cảnh sát tới hộ tống lên xe. Trong khoảnh khắc đó, cô thầm cảm ơn bản thân đã đủ tỉnh táo để không bị rơi vào bẫy gài sẵn.
Trên thực tế, các chuyên gia đến từ Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) từng khuyến cáo hành khách "cần thận trọng khi giúp đỡ người lạ ở sân bay, đặc biệt là khu vực gần dịch vụ hải quan, cho dù người đó là người già hay phụ nữ mang thai, kể cả họ nhờ trông hộ đồ hay cầm hộ chai nước hay bất cứ thứ gì".
Theo các chuyên gia, các đối tượng phạm tội hiện nay có thủ đoạn rất tinh vi. Chúng có thể để chất cấm vào những vật dụng rất thông thường rồi nhờ một hành khách đi cùng chuyến bay mang hộ đồ. Đôi khi, tội phạm có thể lén thả đồ cấm vào túi xách và nhờ trông coi hộ. Đến khi bị phát hiện, do không có ai làm chứng, người xách hộ hoặc trông hộ sẽ khó tránh khỏi rắc rối.
Trước đó, cục hải quan Mỹ từng đăng tải đoạn video về thủ đoạn tinh vi của tội phạm ma túy. Đó là hình ảnh một hành khách vô tình cầm hộ chai nước của một người phụ nữ lạ mặt mà không hay biết bên trong chai có chứa lượng lớn ma túy tổng hợp. Những tên tội phạm có thể nhét chất cấm vào các vật dụng rồi nhờ người khác cầm hộ qua cổng hải quan với lý do hành lý quá cân.
Bởi vậy, các chuyên gia khuyến cáo hành khách cần nắm rõ một số nguyên tắc cơ bản trước khi bước qua cửa kiểm soát và máy soi an ninh tại sân bay. Đó là, cần quan sát và đợi những người đi trước mình lấy xong hành lý của họ rồi mới đặt hành lý của mình lên băng chuyền. Đảm bảo băng chuyền vẫn chạy đều và đồ của bạn không bị lẫn sang giỏ đồ của người khác.