Xác ướp "mỹ nhân" hơn 4.000 năm tuổi giữa sa mạc còn nguyên vẹn
(Dân trí) - Các nhà khảo cổ học Trung Quốc bất ngờ với phần xác ướp của người phụ nữ được bảo quản tốt nằm giữa sa mạc. Người đã khuất có hốc mắt sâu, sống mũi cao với nhiều đặc điểm giống người châu Âu.
Năm 1939, nhà khảo cổ học người Thụy Điển Bergman Folke có một phát hiện gây chấn động. Tại khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc), ông cùng nhóm cộng sự tìm thấy một loạt các ngôi mộ cổ.
Tuy nhiên suốt hàng chục năm sau, nơi này bị rơi vào quên lãng. Tới tận năm 2000, giám đốc Viện Khảo cổ và Di chỉ văn hóa Tân Cương mới tiếp tục dự án. 5 năm sau, công tác khai quật hoàn tất.
Cụ thể, tại khu di chỉ khảo cổ ven sông Lop Nur ở phía đông Tân Cương, nhóm khảo cổ học khai quật một cỗ quan tài gỗ với phần bên ngoài bọc da bò. Khu vực được tìm thấy nằm ở ven con sông nhỏ.
Khi tiến hành mở cỗ quan tài, thi thể bên trong khiến các chuyên gia bất ngờ. Đó là phần xác ướp của một phụ nữ với niên đại cách đây khoảng 4.000 năm.
Đáng chú ý ở chỗ, xác ướp có sống mũi cao, hốc mắt sâu, cặp môi hơi mỏng còn phần lông mi và tóc màu nâu vàng nhạt. Ngoại hình đặc biệt của người phụ nữ trông khác hẳn so với các đặc điểm thường thấy của người Trung Quốc.
Sau khi được khai quật, nhóm chuyên gia lấy các mẫu trên xác ướp để kiểm tra. Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy, đây là xác ướp của một người châu Âu thuần chủng.
Điều này khiến giới khảo cổ học Trung Quốc bối rối. Vậy rốt cuộc, danh tính xác ướp của người phụ nữ như thế nào? Sao một người châu Âu lại xuất hiện ở Tân Cương và được ướp xác tại đây?
Bên cạnh đó, quá trình khai quật khiến giới chuyên môn còn phát hiện thêm 163 ngôi mộ và tổng cộng 167 thi thể. Những thi thể này đều là người châu Âu. Khoảng một nửa số ngôi mộ từng bị những kẻ trộm mộ cướp phá.
Lật lại các sự kiện trong lịch sử. Hơn 4.000 năm trước, khi đế quốc La Mã chưa hình thành, châu Âu vẫn chìm trong chiến tranh. Có thể nhóm người này đã chấp nhận đi đường xa để chạy loạn tới Tân Cương.
Sa mạc Taklamakan với chiều dài khoảng 1.000km từ tây sang đông là nơi ngăn cách giữa Tân Cương với châu Âu. Ở thời điểm hiện tại, với sự hỗ trợ bởi khoa học công nghệ tân tiến, việc con người tự đi bộ vượt qua sa mạc cũng là điều không thể. Vậy làm thế nào để nhóm người châu Âu kia vượt qua sa mạc?
Trong mỗi ngôi mộ cổ, các chuyên gia còn phát hiện thấy bên trong có đặt túi bện từ cỏ. Món đồ này nhìn rất giống với công cụ bằng gỗ từng tìm thấy tại khu vực khảo cổ Afanasievo thuộc phía nam Siberia.
Ngoài ra, quần áo và đồ trang sức cũng được chôn cùng người đã chết. Hài cốt được quấn bằng vải len. Bên ngoài quan tài bọc bằng da bò hoàn hảo tới mức không có hạt cát nào lọt vào trong.
Quan tài được làm từ chất liệu gỗ, có hình dáng giống chiếc thuyền, chôn kiểu úp ngược. Điều này khá giống với quan điểm của người Ai Cập cổ đại về những chiếc thuyền chở các Pharaoh của họ tới vùng đất vị thần.
Cùng với đó, kết quả xét nghiệm ADN với tấm da bò bọc ngoài quan tài cho thấy, đây là phần da của loài bò vốn có nguồn gốc từ Tây Âu. Loài bò vốn chỉ sống xung quanh khu di chỉ khảo cổ Afanasievo và bờ bắc của Biển Đen.
Từ những dữ liệu này, theo đánh giá ban đầu từ những người đầu ngành, hơn 4.000 năm trước, nhóm người châu Âu sẽ đi từ bờ bắc Biển Đen và di chuyển về phía đông tới phía nam Siberia. Sau đó, cả đoàn hướng tiếp về phía nam đi qua sa mạc Taklamakan ở Biển Chết.
Bằng phương pháp công nghệ tiên tiến, các chuyên gia cũng phục dựng lại chân dung của xác ướp "mỹ nhân châu Âu".