Xác tàu Titanic hơn 1 thế kỷ nằm dưới đáy biển vẫn là mỏ vàng tiền tỷ
(Dân trí) - Dù đã "nằm xuống" dưới đáy Đại Tây Dương hơn 111 năm qua, nhưng xác tàu Titanic vẫn mang lại giá trị thương mại khi không ít du khách giàu có sẵn lòng trả nhiều tiền để có cơ hội "nhìn nó thoáng qua".
Xác tàu Titanic "không được ngủ yên"
Đã hơn 1 thế kỷ trôi qua kể từ ngày Titanic vĩnh viễn ngủ yên trong lòng Đại Tây Dương ở độ sâu hơn 3.800m, người ta vẫn không thôi nhắc về "con tàu định mệnh".
Ngày 10/4/1912, chuyến khởi hành đầu tiên xuất phát từ cảng Southampton (Anh), dự kiến tới New York (Mỹ), giới thượng lưu khi ấy phải bỏ ra rất nhiều tiền cho một vé ở khoang hạng nhất.
Tuy nhiên chỉ 4 ngày sau khi khởi hành, Titanic đã gặp nạn. Sau khi đâm vào tảng băng trôi, chỉ chưa đầy 3 tiếng sau, con tàu huyền thoại chìm xuống biển, cách hòn đảo Newfoundland ở Canada khoảng 600km.
Do thiếu xuồng cứu sinh và không có kinh nghiệm trong cứu hộ khẩn cấp nên chỉ khoảng 700 người được cứu sống. Hầu hết trong số họ là phụ nữ và trẻ em. Vụ tai nạn cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 hành khách và thủy thủ đoàn.
Hơn một trăm năm qua, giấc mơ khám phá con tàu huyền thoại ở cự ly gần nhất luôn là điều rất nhiều người mong mỏi.
Ngày nay, đa phần công chúng chỉ có thể thỏa mãn trí tò mò bằng cách ghé thăm các viện bảo tàng, triển lãm, ngắm nhìn những bộ sưu tập liên quan tới xác tàu đặt ở nhiều nơi trên thế giới. Chỉ số ít trong số họ đủ tiền chi trả cho chuyến đi mạo hiểm lặn xuống biển sâu để ngắm nhìn "cái xác" trực tiếp.
Mặc dù Titanic bị đắm năm 1912, nhưng mãi tới năm 1985, nhà hải dương học Robert Ballard dẫn đầu đoàn thám hiểm mới phát hiện ra "nơi an nghỉ" của nó.
Tháng 7/1986, ông đã đặt một tấm biển lên tàu với nội dung yêu cầu "không làm xáo trộn hiện trường", thể hiện sự tôn trọng và tưởng nhớ hơn 1.500 nạn nhân đã nằm lại vĩnh viễn.
Tuy nhiên điều này không xảy ra. Thay vào đó lại nổi lên cuộc cạnh tranh xem bên nào được phép trục vớt các cổ vật từ con tàu. Một phần là sự nỗ lực bảo tồn những món đồ tạo tác, nhưng phần lớn là việc kiếm nguồn lợi nhuận khổng lồ.
Ví dụ như công ty RMS Titanic đã thực hiện thành công 8 chuyến thám hiểm tới tàu Titanic, trục vớt được một phần cầu thang lớn của con tàu, bán đấu giá hơn 5.000 món cổ vật.
"Mỏ vàng" béo bở để các công ty du lịch mạo hiểm khai thác
Trong khi cuộc chiến giành quyền "thăm viếng" và trục vớt nổ ra, thì hoạt động lặn biển xem xác Titanic cũng tồn tại hơn 20 năm qua, tạo ra thị trường du lịch nhỏ nhưng siêu đắt đỏ.
Nó được coi là mỏ vàng "béo bở" đúng nghĩa với ngành du lịch mạo hiểm.
Năm 1998, công ty Deep Ocean Expeditions của Anh được xem là một trong những công ty đầu tiên bán vé cho du khách với giá 32.500 USD/người để xem "phần còn lại của tàu Titanic".
Vào năm 2012, trưởng đoàn thám hiểm Rob McCallum cho biết công ty tổ chức chuyến tham quan cuối cùng sau khi đã xuống xác tàu 197 lần. Những chuyến đi cuối này diễn ra vào năm 2012 với giá 59.000 USD/khách. Mỗi tour nhận tối đa 20 khách.
Tương tự, bắt đầu từ năm 2002, công ty du lịch Bluefish có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), cũng điều hành chuyến lặn biển tiếp cận Titanic. 4 năm tiếp theo, công ty chỉ nhận 8 khách. Đến năm 2012, Bluefish đón khách trở lại với giá vé 59.680 USD/người.
Một công ty khác là Blue Marble có trụ sở tại London bán vé với giá 105.129 USD/người vào năm 2019. Công ty này cũng bắt tay hợp tác với OceanGate Expeditions để tổ chức chuyến du lịch mạo hiểm.
Sau đó, OceanGate Expeditions tiếp tục gia nhập "thị trường màu mỡ" này và có những chuyến đi thành công. Cho tới ngày 18/6 vừa qua, tàu Titan do công ty này vận hành, chở 5 người được xác nhận đã tử nạn trên đường tới xác Titanic.
Bảo vệ con tàu 111 năm tuổi
Các chuyên gia nhận định, những chuyến đi này đã tác động lớn tới Titanic khiến tốc độ xuống cấp của nó diễn ra nhanh hơn. Chưa đầy một thập kỷ sau khi xác tàu được tìm thấy, người ta nhận thấy sự hư hại nhanh chóng của nó. Năm 2019, một cuộc thám hiểm chỉ ra rằng, phần lớn con tàu đang bị sập.
Ngay cả khi những tàu ngầm không chạm vào xác Titanic nhưng nó vẫn gây ra tác động khiến con tàu hỏng nặng thêm. Trước tình hình này, ông Charles Haas, Chủ tịch hiệp hội Titanic quốc tế, tuyên bố, đã tới lúc xem xét "chấm dứt mọi chuyến tham quan xác Titanic" sau thảm họa với tàu lặn Titan.
Cũng theo ông Charles, tàu Titanic đã có thêm "5 nạn nhân" sau 111 năm bị chìm. Ông cũng bày tỏ lòng thương tiếc "vô hạn" với nhà thám hiểm người Pháp Paul-Henri Nargeolet và nhận định đây là vị chuyên gia có những hiểu biết và kinh nghiệm dày dặn về Titanic mà "không thể thay thế".