Chấp nhận rủi ro kể cả là chết, vì sao giới siêu giàu vẫn ham ngắm Titanic?

Huy Hoàng

(Dân trí) - Chấp nhận rủi ro cao thậm chí có thể tử vong nhưng giới siêu giàu vẫn sẵn lòng chi hàng trăm nghìn USD để trải nghiệm cảm giác chinh phục.

Chuyến đi tiềm ẩn nhiều rủi ro và cái kết buồn

Theo thông tin mới nhất, Chuẩn đô đốc lực lượng tuần duyên Mỹ, ông John Mauger cho biết, các mảnh vỡ chính của tàu lặn Titan chở 5 du khách được phát hiện ở độ sâu gần 4.000m thuộc Bắc Đại Tây Dương. Những mảnh vỡ này chỉ cách xác mũi tàu Titanic khoảng 500m.

Chấp nhận rủi ro kể cả là chết, vì sao giới siêu giàu vẫn ham ngắm Titanic? - 1

Tàu Titan chở khách xuống đáy đại dương ngắm xác tàu Titanic (Ảnh: The New York Times).

Các quan chức cho biết, từ mảnh vỡ thu thập được cho thấy tàu lặn Titan đã bị "ép bẹp" khiến 5 hành khách trên khoang thiệt mạng.

Trước đó, thông tin về vụ tàu ngầm Titan của OceanGate mất tích khi chở khách tham quan xác tàu Titanic nhận được sự quan tâm rất lớn từ truyền thông và dư luận thế giới.

Được biết, OceanGate là công ty duy nhất trên thế giới cung cấp dịch vụ tham quan ngắm xác tàu Titanic. Với chuyến du lịch mạo hiểm này, công ty thu mỗi khách 250.000 USD (khoảng 6 tỷ đồng). Bởi vậy, đây là dịch vụ hướng tới nhóm khách hàng thuộc giới siêu giàu.

Sau khi 5 hành khách được xác nhận đã tử vong trong chuyến tham quan xác tàu Titanic, du lịch mạo hiểm là từ khóa đang thu hút nhiều người tìm kiếm.

Theo các chuyên gia, ngành kinh doanh này trị giá hàng tỷ USD, trong đó, khách hàng giàu có sẵn lòng bỏ ra số tiền lớn để chinh phục những nơi xa xôi nhất mà người bình thường rất ít cơ hội được chạm tới, thậm chí bay vào vũ trụ.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Wall Street Journal, nam du khách có tên Mike Reiss đồng thời là một nhà biên kịch, cho biết ông từng được trải nghiệm "chuyến đi đắt đỏ" thăm xác tàu Titanic vào năm 2022.

Chấp nhận rủi ro kể cả là chết, vì sao giới siêu giàu vẫn ham ngắm Titanic? - 2

Nhiều tỷ phú mê du lịch mạo hiểm vì được thỏa mãn cảm giác chinh phục, khẳng định bản thân (Ảnh minh họa: People).

Trước chuyến đi, ông Reiss được yêu cầu ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm nếu xảy ra sự cố. Nam du khách tiết lộ, "cái chết" được nhắc tới 3 lần ở mỗi trang hợp đồng. Nội dung đề cập tới việc chuyến thám hiểm "có thể gây ra chấn thương về thể chất, tổn thương tinh thần, hoặc thậm chí tử vong".

Tốn kém, lại tồn tại nhiều rủi ro, vậy tại sao giới siêu giàu vẫn sẵn lòng chấp nhận thử thách?

Biểu tượng của địa vị, đi xa hơn so với đám đông

Du lịch mạo hiểm đã trở thành một xu hướng ngày càng gia tăng khi những người mê cảm giác mạnh muốn tìm kiếm một điều gì đó vượt qua ranh giới của du lịch thông thường và đôi khi là "du lịch an toàn".

Theo các chuyên gia, OceanGate là một trong số những công ty có thể đáp ứng nhu cầu các cá nhân muốn khám phá đại dương, thậm chí ở cả những độ sâu mà bình thường "không thể tiếp cận".

Chấp nhận rủi ro kể cả là chết, vì sao giới siêu giàu vẫn ham ngắm Titanic? - 3

Du lịch hàng không vũ trụ là thú vui của nhiều tỷ phú (Ảnh: Space).

"Như tôi thấy, với những người cực kỳ giàu có thì tiền không phải là vấn đề. Họ muốn đạt được thứ gì đó tạo ra cảm giác không bao giờ quên", ông Nick D'Annunzio, chủ sở hữu của TARA, một công ty chuyên tổ chức các sự kiện đặc biệt, nhận định.

Thật vậy, với giới siêu giàu, tiền chỉ là những con số. Nhóm khách này sẵn lòng chi khoản cực lớn để thực hiện chuyến đi vòng quanh thế giới bằng máy bay riêng trong 24 ngày, đi trực thăng tới trại căn cứ trên đỉnh Everest, thậm chí là bay vào vũ trụ.

Tuần trước, công ty Virgin Galactic thông báo, dịch vụ du hành vũ trụ thương mại của họ sẽ chính thức bắt đầu vào cuối tháng 6 và chuyến đi thứ 2 diễn ra vào tháng 8/2023. Để tham dự chuyến đi, mỗi hành khách sẽ bỏ ra khoảng 450.000 USD (hơn 10 tỷ đồng). Virgin Galactic tiết lộ, họ đã bán được khoảng 800 vé.

Chấp nhận rủi ro kể cả là chết, vì sao giới siêu giàu vẫn ham ngắm Titanic? - 4

Tỷ phú Richard Branson và phi hành đoàn trên tàu VSS Unity của Virgin Galactic trong chuyến đi vào tháng 7/2021 (Ảnh: Virgin Galactic).

Trước đó, OceanGate từng thành công trong việc đưa khách tới thám hiểm ngắm xác tàu Titanic vào các năm 2021 và 2022, dù công ty này nói với du khách rằng "tàu Titan chưa được bất cứ cơ quan nào cấp xác nhận hoặc chấp thuận".

Hầu hết không nhiều du khách đủ khả năng chi trả cho một chuyến thám hiểm trị giá 250.000 USD (khoảng 6 tỷ đồng). Chính vì vậy, bay vào vũ trụ, lặn xuống đại dương ngắm xác tàu, đang trở thành "biểu tượng địa vị" của giới siêu giàu.

"Đó là cảm giác bạn tiến xa hơn nhiều so với đám đông. Bạn có thể làm điều gì đó táo bạo hơn hẳn người khác", Giáo sư John Lennon đến từ Đại học Glasgow Caledonian ở Scotland, nhận định.

Trong khi đó, Sir Richard Branson, vị tỷ phú đam mê du lịch hàng không vũ trụ, từng chia sẻ cảm nhận tại một buổi phỏng vấn. Ông cho rằng "trở thành nhà thám hiểm cho bản thân cảm giác được sống'.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm