Vụ chơi team building phản cảm: Mỗi người cởi áo được thưởng 500 nghìn đồng

Vĩnh Khang

(Dân trí) - Lúc đầu chỉ có một người cởi áo ngực. Người điều hành trò chơi tuyên bố "thưởng 200 nghìn đồng". Sau đó thêm nhiều người cởi áo ngực, mức thưởng được nâng lên 500 nghìn đồng.

Liên quan đến clip nhóm du khách nữ cởi áo ngực tham gia trò chơi lấy nước trên bãi biển Cửa Lò (Nghệ An), chiều 29/7, UBND thị xã Cửa Lò (Nghệ An) đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với đơn vị tổ chức sự kiện. Thông tin được ông Hoàng Văn Phúc - Phó Chủ tịch UBND thị xã Cửa Lò xác nhận với phóng viên Dân trí. 

Trước đó, sáng cùng ngày, Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Cửa Lò cũng đã có buổi làm việc trực tiếp với đơn vị tổ chức sự kiện.

Mặc dù trò chơi có những phụ nữ cởi áo ngực múc nước là hoạt động tự phát, nằm ngoài chương trình đã thống nhất giữa đơn vị tổ chức sự kiện và công ty nhưng công ty này vẫn bị xem xét xử phạt hành chính về hành vi gây ồn ào nơi công cộng.

Mức phạt cho hành vi vi phạm trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội theo Nghị định 144/NĐ-CP được áp dụng cho đơn vị tổ chức sự kiện này là 400 nghìn đồng.

Vụ chơi team building phản cảm: Mỗi người cởi áo được thưởng 500 nghìn đồng - 1

Nhóm du khách tham gia một trò chơi tự phát trên bãi biển Cửa Lò, trong đó một số khách nữ đã cởi cả áo ngực làm đạo cụ múc nước (Ảnh: V.T).

Có thông tin cho rằng, việc một số phụ nữ cởi áo ngực khi tham gia trò chơi là do phía công ty treo giải thưởng "khủng" cho đội thắng cuộc.

Một nhân chứng chia sẻ riêng với Dân trí, trò chơi có phụ nữ cởi áo ngực trong clip gây "bão mạng" diễn ra vào khoảng hơn 16h, ngày 27/7.

"Thời điểm đó, phía đơn vị tổ chức sự kiện đã hoàn tất 4 trò chơi theo chương trình thống nhất giữa hai bên, bạn MC (người dẫn dắt chương trình) cũng đã nghỉ. Sau đó, nhóm du khách này chơi thêm 2 trò chơi khác, trong đó có trò múc nước biển nói trên. Cả hai trò chơi này do người của họ điều khiển", người này cho hay.

Theo nhân chứng này, trong quá trình chơi trò múc nước, người chơi được yêu cầu cởi áo ngoài để lấy nước, sau đó tiếp tục có yêu cầu cởi "áo trong" để lấy nước từ biển lên đổ vào dụng cụ chứa trên bờ.

"Lúc đó có một chị cởi áo ngực ra, một trong những người có vẻ thuộc lãnh đạo của công ty nói "thưởng cô này 200 nghìn đồng".

Sau đó trò chơi được đẩy lên cao trào và có khoảng 10 người cũng cởi áo ngực ra. Chị dẫn chương trình thông báo tiếp là những người cởi áo ngực được thưởng 500 nghìn đồng. Thực tế nhiều người cởi áo ngực để chơi nhưng dùng khăn buộc để che ngực lại", nhân chứng cho biết thêm.

Theo thông tin ông Hoàng Thanh Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Cửa Lò, nhóm người xuất hiện trong clip cởi áo ngực chơi trò chơi lan truyền trên mạng xã hội thuộc Công ty TNHH N.N. ( có trụ sở ở Phú Thọ).

Hiện đại diện công ty này chưa vào Nghệ An làm việc theo đề nghị của cơ quan chức năng nhưng qua liên lạc bằng điện thoại, đã thừa nhận hành vi cởi áo ngực ở bãi biển, thời điểm có nhiều du khách và trẻ nhỏ là sai, phản cảm.

Trước đó, chia sẻ với Pv Dân trí, anh Nguyễn Bá Tùng, chuyên gia 15 năm kinh nghiệm tổ chức sự kiện tập thể, nhận định hoạt động phản cảm ở bãi biển Cửa Lò chỉ là một kiểu trò chơi gây sốc, đặt cao tính giải trí và kích động người tham gia. Đây không hẳn là team building, vì theo anh, trò chơi này không đạt đến mục tiêu cuối cùng là xây dựng đội, nhóm. 

Thông qua đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội, anh Tùng cho rằng, trong tâm lý đám đông, người chơi bị kích động mạnh nên không thể kiểm soát bản thân và hành vi, dẫn đến hành động cởi phăng quần áo.

"Một đơn vị tổ chức team building sẽ làm việc chuyên nghiệp cùng khách hàng, vững vàng kiến thức, chứ không chỉ là cách làm lố và phản cảm để tạo chú ý", anh Tùng nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Quyết, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên tổ chức team building tại Hà Nội, đánh giá những hoạt động team building tự phát, không kiến thức chuyên sâu, không kịch bản, sẽ khiến chương trình bị lệch lạc và gây bức xúc.

"Họ tổ chức trò chơi phản cảm giữa bãi biển đông đúc, có cả trẻ em, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý những người xung quanh", anh Quyết nói.

Theo anh Quyết, trước đây, do thiếu đội ngũ, công ty, doanh nghiệp tổ chức sự kiện chuyên sâu, nên gia tăng hoạt động tập thể tự phát. Tuy nhiên, khi mạng xã hội phát triển, các hoạt động phản cảm bị lên án gay gắt, do đó đã bị cắt giảm, chuyển sang nhiều hình thức và trò chơi mới, mang tính chuyên nghiệp hơn.

Anh phân tích, thời gian gần đây, các hoạt động team building mới mẻ như trekking (đi bộ đường dài), cuộc đua kỳ thú, cắm trại,… được nhiều doanh nghiệp hưởng ứng. Tùy vào số lượng nhân sự, mà các công ty có thể chọn ra những chương trình phù hợp và tối ưu nhất, mong muốn gắn kết các thành viên.

Giám đốc doanh nghiệp này cũng cho rằng, mỗi doanh nghiệp có văn hóa riêng, hoặc những yêu cầu nhất định đối với nhân viên của mình mỗi khi đi du lịch nhưng đều chung mục đích gắn kết tập thể. Các doanh nghiệp lớn đều muốn thông qua team building để phát triển hình ảnh, do đó họ sẽ không đánh đổi bằng những trò chơi phản cảm hay gây bức xúc như vụ việc xảy ra ở Cửa Lò vừa qua. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm