Vì sao trên "nóc nhà thế giới" vẫn còn hàng trăm thi thể nằm lại vĩnh viễn?
(Dân trí) - Cảnh tượng những thi thể nằm lại trên con đường chinh phục đỉnh Everest không còn là hình ảnh hiếm gặp. Có những thi thể đã nằm ở đó hàng chục năm, chưa được đưa về quê nhà và có thể nằm lại mãi mãi.
Xuất phát từ mong muốn được chinh phục đỉnh cao, chạm tay tới Everest, hàng trăm du khách đã bỏ mạng ngay trong lần thử sức đầu tiên và nằm lại vĩnh viễn trên "nóc nhà thế giới".
Với chiều cao 8.848m, Everest đã trở thành đích đến trong mơ của hàng nghìn nhà leo núi muốn thử thách bản thân. Hai người đầu tiên đặt chân lên đỉnh vào ngày 29/5/1953 là nhà thám hiểm Edmund Hillary người New Zealand và Tenzing Norgay người Nepal. Từ đó đến nay, theo số liệu thống kê cho thấy, khoảng 10.000 người đã chinh phục thành công từ phía Nepal và Tây Tạng.
Hàng năm, số lượng người đăng ký chinh phục Everest vẫn gia tăng, bất chấp có hơn 300 người đã thiệt mạng và nằm lại đây. Song, khát khao chinh phục chưa bao giờ dừng lại.
"Tôi không thể tin được những gì mình được chứng kiến. Những xác chết trên đường và cả sự hỗn loạn". Vào tháng 5/2019, nhà làm phim Everest - Elia Saikaly đã chia sẻ cảm xúc trên trang Instagram cá nhân.
Vào mùa xuân năm đó, 11 người đã thiệt mạng. Trước đó 4 năm, trận lở tuyết bất ngờ xảy ra khiến ít nhất 19 nhà leo núi bỏ mạng. Năm 2021, 3 du khách khác cũng tử vong trên đường lên đỉnh. Và đa số thi thể của những nạn nhân vẫn đang nằm lại ở Everest cho đến ngày nay.
Khi có người chết trên đỉnh Everest, rất khó để di chuyển thi thể xuống chân núi. Việc hồi hương được xác định "vô cùng tốn kém", có thể mất khoảng 70.000 USD và thậm chí trả giá rất đắt. Lịch sử từng ghi lại câu chuyện về 2 nhà leo núi người Nepal đã thiệt mạng khi cố gắng đưa thi thể một nạn nhân xuống núi vào năm 1984.
Lhakpa Sherpa nắm giữ kỷ lục là người phụ nữ chinh phục "nóc nhà thế giới", cho biết cô nhìn thấy 8 xác chết trên đường lên núi vào năm 2018.
"Tôi đặc biệt ấn tượng với thi thể một người đàn ông nằm ở khu vực gần đỉnh núi. Trông anh ấy như thể còn sống vì gió thổi tóc tung bay", cô nhớ lại.
Ký ức của Sherpa như một lời nhắc nhở nghiệt ngã rằng, di chuyển xác chết khỏi đỉnh Everest là một công việc tốn kém, thậm chí có thể gây chết người và tốt nhất là không nên làm.
Đến nay, không thể ghi nhận chính xác hơn 300 trường hợp tử vong ở đây, nhưng có thể chắc chắn rằng, phần đông trong số đó đã nằm lại vĩnh viễn.
Suốt nhiều năm, các nhà leo núi Everest vẫn kể với nhau về trường hợp của một thi thể được đặt biệt hiệu là "giày xanh". Nạn nhân được phát hiện trong một cái hang cách đỉnh khoảng 344m. Dấu hiệu nhận biết là đôi giày màu xanh của nhà leo núi xấu số. Và đến nay, thi thể này thậm chí được dùng làm cột mốc cho những người leo núi.
Không chỉ tốn kém và khó khăn, theo nhiều chuyên gia, bất cứ quyết định xử lý các xác chết trên đỉnh núi ra sao cũng đều là vấn đề cá nhân.
"Hầu hết các nhà leo núi muốn nằm lại núi nếu họ không may thiệt mạng. Sẽ là thiếu tôn trọng nếu chúng ta loại bỏ hài cốt của họ, trừ trường hợp thi thể cần di dời khỏi cung đường leo núi, hoặc gia đình nạn nhân muốn đưa họ về quê nhà", Alan Arnette, một nhà leo núi nổi tiếng nhận định.
Cũng theo Arnette, trước khi chinh phục Everest, anh đã ký vào một số mẫu đơn "xử lý thi thể" với nội dung yêu cầu "nếu anh tử vong sẽ đặt thi thể của mình được yên nghỉ lại bên núi".
Jennifer Peedom, một nhà làm phim đã 4 lần chinh phục đỉnh cao, nói rằng mỗi lần lên Everest, cô vẫn có cảm giác hồi hộp như ban đầu.
"Dường như có một bí ẩn nào đó ở đỉnh núi này khiến nó càng tăng thêm hấp dẫn. Nhưng hiện tại nơi này ngày càng đông đúc và du khách tới đây mỗi năm lại nhiều thêm", cô nói.