Về nơi khoét núi ngủ hầm…
(Dân trí) - 55 ngày đêm khoét núi ngủ hầm của quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên (ngày 7.5.1954). Sau 60 năm, cùng trở lại thăm chứng tích hào hùng một thời của ông cha ta ngày ấy!
Các di tích tiêu biểu như: sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đồi A1, Sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đồi Him Lam, Đường kéo pháo… đã trở thành những chứng tích lịch sử ghi lại trận chiến oanh liệt.
Di tích đồi A1 nằm cạnh quốc lộ 279 (đường7/5) thuộc phường Mường Thanh - thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.
Cứ điểm này cao 32m so với mặt đường có diện tích 53.000 m2. A1 thuộc dãy đồi phía Đông cùng với C1, C2, D và E tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm.
Đây là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại đây địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc. Trận tiến công cứ điểm trên Đồi A1 là một trong những trận đánh oanh liệt nhất của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
18h5’ ngày 30-3-1954, ta bắt đầu tiến công đồi A1. Quân địch chống trả rất quyết liệt. Chúng biết rằng nếu để mất A1 thì như con dao của ta đã kề vào cổ tập đoàn cứ điểm của chúng. Vì vậy cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra tại cao điểm này kéo dài nhất và ác liệt nhất trên chiến trường Điện Biên Phủ với 3 đợt tấn công và một đợt phòng ngự kéo dài 39 ngày đêm.
Ta và địch đã giành giật nhau từng thước đất. Hơn 2000 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hi sinh. Máu các anh đã thấm đỏ từng tấc đất, từng ngọn cỏ trên đồi A1.
Đến thăm đồi A1 là du khách đã đến với quả đồi Chiến công - một địa danh tỏ rõ khí phách đấu tranh ngoan cường của dân tộc Việt Nam, góp phần làm nên chiến thắng vang dội làm chấn động địa cầu giờ đây đã trở thành bất tử.
Những dấu tích của một thời bom đạn như hầm chỉ huy cứ điểm, hầm đại liên, lô cốt cây đa cụt, đường hào, khối bộc phá ngàn cân, ngôi mộ tập thể, chiếc xe tăng… vẫn còn đây, sẽ mãi mãi trường tồn cùng non sông đất nước.
Đã 60 năm trôi qua, Điện Biên hôm nay vẫn còn đó những dấu tích đáng nhớ của chiến dịch Điên Biên Phủ ngày nào.
Minh Phan – Song An