Vẻ đẹp tôn kính của đền Đức Hoàng sau hơn một năm trùng tu
(Dân trí) - Di tích lịch sử đền Đức Hoàng sau hơn một năm trùng tu tôn tạo đã chính thức khánh thành vào đầu tháng 10/2023, đem lại niềm vui cho người dân địa phương cũng như du khách tham quan.
Đền Đức Hoàng nằm trên địa bàn xã Yên Sơn thuộc huyện Đô Lương, Nghệ An, được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia từ năm 1996.
Ngược dòng lịch sử, vào đầu thế kỷ 16, nhà hậu Lê suy vong, loạn lạc. Hoàng thân quốc thích của nhà Lê phải mai danh, ẩn tích.
Theo truyền thuyết, vợ của Vua Quang Thiệu là bà Bùi Thị Ngọc Thụy đã chạy về vùng Diêm Tràng (nay là các xã Yên Sơn, Văn Sơn, Đô Lương), sinh hạ được một cậu con trai khôi ngô tuấn tú đặt tên là Lê Ninh.
Bề tôi của nhà Lê là tướng Nguyễn Kim khởi binh ở Ai Lao (Lào) đã tìm ra được Lê Ninh và lập ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Nguyên Hòa.
Mùa Xuân năm Quý Tỵ 1533, vua Lê Trang Tôn đã đứng lên khôi phục vương triều nhà Lê. Ông khai khẩn đất đai, dẹp loạn ngoại xâm, chấn hưng đất nước thời hậu Lê, tạo điều kiện cho muôn dân có cuộc sống ổn định, bình an.
Đến năm 1548, vua Lê Trang Tôn mất. Nhân dân đã lập đền thờ để tưởng nhớ công đức của Ngài và các vị thần linh.
Từ thời Lê, nhân dân trong vùng đều tổ chức lễ rước kiệu từ đình Long Thái, xã Thái Sơn về đền Đức Hoàng vào ngày Rằm tháng Giêng; tạo thành một ngày hội lớn của nhân dân Đô Lương. Năm 1996, đền Đức Hoàng được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
Trong những năm qua, việc bảo tồn, tôn tạo di tích đền Đức Hoàng được các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân quan tâm thường xuyên.
Đặc biệt hồi cuối năm ngoái, hai vợ chồng doanh nhân là ông Nguyễn Xuân Trinh và bà Nguyễn Thị Nga, những người con xa quê hương ở Đô Lương và sinh sống lập nghiệp ở nước ngoài (Việt kiều Australia), đã hỗ trợ kinh phí gần 4 tỷ đồng để trùng tu tôn tạo di tích lịch sử có giá trị này.
Trải qua hơn một năm trùng tu, tôn tạo, di tích đền Đức Hoàng vẫn giữ được những nét đẹp cổ kính. Hiện nay, đền có hai khu đền thượng và đền hạ; đền thượng 3 gian, đền hạ 5 gian, các hoa văn với các hình rồng phượng trên các cột, kèo được chạm trổ một cách tinh xảo.
Chính sự gìn giữ, bảo tồn các giá trị di tích lịch sử đó đã tạo cho đền Đức Hoàng trở thành một điểm đến tâm linh của nhân dân và du khách thập phương hàng năm.
Mỗi người khi đến với đền Đức Hoàng đều bày tỏ niềm cảm kích sâu sắc, ghi nhớ công lao của các bậc ông cha trong việc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và gửi gắm mong ước về một năm mưa thuận gió hòa, làm ăn sung túc. Đây cũng chính là sự thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của dân tộc.
"Bảo vệ giá trị văn hóa đền đình miếu mạo của cha ông để lại là truyền thống văn hóa dân tộc mà con cháu ta phải làm. Để đời sau thế hệ con em luôn hướng về cội nguồn để có ý chí trách nhiệm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", vợ chồng doanh nhân Nguyễn Xuân Trinh bày tỏ.