Váy ở chợ Việt Nam giá 890.000 đồng, khách Tây trả giá 130.000 đồng

Huy Hoàng

(Dân trí) - Khi người bán hàng nói chiếc váy đen có giá 35 USD (890.000 đồng), vị khách nước ngoài mặc cả xuống còn 5 USD (130.000 đồng) nhưng người bán không đồng ý.

Từ tháng 1, Henry Wride bắt đầu hành trình du lịch trên khắp thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, anh và vợ đã đặt chân tới Thái Lan, Lào và Việt Nam. Hiện vị khách người Anh vẫn ở Việt Nam để tiếp tục hành trình khám phá của mình.

Trên trang cá nhân, Henry chia sẻ nhiều video liên quan tới ẩm thực và trải nghiệm tại các điểm đến. Trong đó video ghi lại cảnh anh cùng vợ đi mua hàng trong một khu chợ ở Việt Nam đang gây nhiều tranh cãi.

Váy ở chợ Việt Nam giá 890.000 đồng, khách Tây trả giá 130.000 đồng - 1

Anh Henry Wride bắt đầu hành trình du lịch từ tháng 1/2024 (Ảnh: Henry Wride).

Ban đầu, hai vị khách bước vào một cửa tiệm quần áo. Tại đây, người bán giới thiệu cho anh một số loại áo phông với mức giá khác nhau.

"Anh muốn loại áo phông nào?", người bán hàng hỏi.

"Lấy cho tôi cỡ to nhất", Henry nói.

Theo người bán, mức giá mỗi trang phục phụ thuộc vào chất lượng vải. Ví dụ áo có chất lượng vải tốt sẽ có giá 220.000 đồng/chiếc, còn áo được may từ loại vải kém hơn thì mức giá là 150.000 đồng/chiếc. Tuy nhiên, vị khách người Anh cho rằng giá này vẫn quá cao so với chất lượng chiếc áo nên từ chối không mua.

Tiếp đó, cặp đôi tới một quầy hàng khác và lựa chọn một chiếc chân váy màu đen. Người bán hàng chào giá 35 USD (890.000 đồng) cho chiếc váy làm từ lụa.

Khi mặc thử lên người, vị khách tỏ ra hài lòng nhưng khi thấy mức giá cao hơn tưởng tượng, Henry mặc cả còn 5 USD (130.000 đồng).

Thấy vị khách trả giá quá thấp, người bán hàng tỏ ý không vui và không nói gì thêm. Cuối cùng, hai vị khách rời khỏi sạp hàng và quyết định không mua gì nữa.

Váy ở chợ Việt Nam giá 890.000 đồng, khách Tây trả giá 130.000 đồng - 2
Chiếc váy được tiểu thương tại chợ đưa ra mức giá 890.000 đồng (Ảnh cắt từ clip).

Theo tìm hiểu, khu chợ nơi hai vị khách tới mua hàng nằm tại thành phố Huế. Vừa chia sẻ cách đây không lâu, video thu hút hàng trăm nghìn lượt xem cùng rất nhiều ý kiến trái chiều.

"Tôi đánh giá rất cao những vị khách quốc tế biết mặc cả khi mua hàng ở chợ để tránh bị chặt chém. Tuy nhiên trong trường hợp này, tôi thấy có vẻ không đúng. Bạn đừng mặc cả nhiều như vậy. Thử tính xem, làm gì có váy lụa 130.000 đồng. Số tiền này không đủ để may chiếc váy, chưa kể tiền thuê mặt bằng, điện nước duy trì sạp hàng. Tôi nghĩ bạn chỉ nên mặc cả một nửa giá là hợp lý", tài khoản có tên My Trần đưa ra quan điểm.

"Trên các sàn thương mại điện tử vẫn có những sản phẩm bằng lụa giá trên 35 USD. Trong trường hợp này, có thể người bán hàng đang nói giá cao với khách, nhưng bạn trả giá 5 USD là hành động rất kém duyên. Chẳng trách cô bán hàng không vui khi gặp khách như vậy", tài khoản Bình Nguyên nói.

"Chúng tôi không bênh những tiểu thương thấy khách nước ngoài là chặt chém. Nhưng tôi nghĩ hai người bán này không nói thách quá nhiều. Và Việt Nam cũng không phải là điểm đến giá rẻ. Đừng mặc cả quá thấp như vậy cũng tội cho họ. Chúc bạn có chuyến đi vui vẻ tại đất nước chúng tôi", tài khoản Mỹ Hạnh góp ý.

Về phần mình, sau khi nhận nhiều lời góp ý từ người xem, Henry cho biết đều lắng nghe các góp ý. Anh cho biết người bán hàng đưa ra mức giá rất cao cho một chiếc váy chất liệu và kiểu dáng bình thường nên anh đưa ra con số rất thấp để xem phản ứng thế nào. Tuy nhiên sau cùng anh quyết định không mua nữa vì thấy giá tiền không tương xứng với chất lượng món hàng.

Câu chuyện khách nước ngoài bị nói thách và phải học cách mặc cả khi đi mua hàng tại các khu chợ ở Việt Nam hiện là chủ đề thu hút sự chú ý.

Trước đó hồi tháng 8/2023, một vị khách người Nhật có tên Kazuki Matsumoto từng bị "hét giá" 3 đôi tất chân 700.000 đồng khi mua hàng tại một quầy hàng ở chợ Bến Thành (TPHCM).

Váy ở chợ Việt Nam giá 890.000 đồng, khách Tây trả giá 130.000 đồng - 3

Mặt tiền cửa chính chợ Bến Thành (Ảnh: Hải Long).

Ngay sau khi thông tin được báo chí đưa tin, ban quản lý chợ Bến Thành đã tiến hành rà soát, mời tiểu thương tới làm việc. Tại đây, tiểu thương nhận hình thức tạm đình chỉ kinh doanh 7 ngày với hành vi vi phạm là "hộ kinh doanh không niêm yết giá rõ ràng, có hành vi nói thách, nài ép khách".

Chia sẻ với Dân trí, bà Nguyễn Thị Phương Lan, Phó ban quản lý cho biết, trong buổi làm việc, tiểu thương thừa nhận "đã có hành vi không đúng với nội quy của chợ và cam kết không tái phạm".