Khách Hà Nội tắm suối nóng 40 độ C cạnh cánh đồng lúa, bất ngờ vì giá rẻ

Huy Hoàng

(Dân trí) - Suối khoáng có hai dòng nóng - lạnh với nhiệt độ gần 40 độ C ở xã Chiềng Yên (Sơn La) nằm e ấp dưới tán trúc, bên cạnh là cánh đồng nhưng hiện chưa được nhiều khách biết tới.

Xuất phát từ Hà Nội, gia đình chị Khánh Dung đi Mộc Châu nghỉ dưỡng dịp cuối tuần. Vì yêu thích cảnh thiên nhiên đẹp hoang sơ chưa bị bàn tay con người can thiệp quá nhiều, vị khách Hà Nội tìm kiếm những điểm đến nằm gần đó để khám phá. Và suối khoáng nóng Bò Ấm là một trong những địa điểm được gia đình 6 thành viên lựa chọn.

Khách Hà Nội tắm suối nóng 40 độ C cạnh cánh đồng lúa, bất ngờ vì giá rẻ - 1
Suối khoáng có nguồn nước tự nhiên, được phân chia thành các bể nước nóng và lạnh.

Địa điểm này nằm cách Hà Nội khoảng 150km và cách thị trấn Mộc Châu chừng 25km nên gia đình chị Dung chỉ di chuyển khoảng 1 tiếng là tới nơi.

Suối khoáng tọa lạc tại bản Phụ Mẫu, xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, e ấp dưới những tán trúc, cạnh bên là cánh đồng lúa, tạo nên khung cảnh nên thơ.

"Vé vào cửa là 30.000 đồng/người. Khách được tắm thoải mái không giới hạn thời gian. Mức giá này khiến tôi bất ngờ vì quá rẻ", chị Dung nói.

Theo tìm hiểu, dòng nước chảy từ núi đá được người dân địa phương quây lại và xếp đá tạo thành 3 bể tắm tự nhiên. Trong đó có hai dòng nước nóng và lạnh. Riêng dòng suối nóng có nhiệt độ trung bình 35-40 độ C. Nước vừa đủ ấm, không quá nóng nên phù hợp để thư giãn, giải nhiệt mùa hè.

Khách Hà Nội tắm suối nóng 40 độ C cạnh cánh đồng lúa, bất ngờ vì giá rẻ - 2
Với giá vé 30.000 đồng/người, khách có thể tắm thoải mái không giới hạn thời gian.

Trong khi đó, chị Dương Thị Hằng, một người sinh sống ở Mộc Châu, dù biết tới khu vực này đã lâu nhưng nay mới có dịp cùng cả nhà tới trải nghiệm.

"Gia đình tôi đi hơi muộn nên 14h mới tới nơi, thời gian vui chơi dưới suối không còn nhiều. Tắm suối khoáng tốt cho sức khỏe và giá vé rất rẻ nên lần tới cả nhà dự kiến sẽ đến từ sáng để có nguyên ngày trải nghiệm thoải mái", chị Hằng nói.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hà Văn Khương, một trong những thành viên của Hợp tác xã du lịch và nông nghiệp Tạt Nàng (HTX), cho biết hiện đơn vị này đang khai thác và vận hành điểm du lịch.

Với 13 thành viên trong HTX, mỗi người sẽ phân công lịch trực, bán vé và có mặt để giải quyết các vấn đề phát sinh. Thành lập từ tháng 1/2019 nhưng vừa khai thác chưa được bao lâu thì đại dịch Covid-19 ập tới khiến các dịch vụ đều phải tạm dừng. Tới năm 2022, suối khoáng Bò Ấm mới mở cửa trở lại.

Khách Hà Nội tắm suối nóng 40 độ C cạnh cánh đồng lúa, bất ngờ vì giá rẻ - 3
Cánh đồng lúa bên cạnh là nơi du khách trẻ rất thích check-in.

Ban đầu, do còn mới chưa được nhiều người biết tới nên lượng khách khá thưa thớt, chỉ đông vào những dịp cuối tuần hay lễ Tết. Nhưng từ cuối năm 2023 đầu năm 2024, Bò Ấm được biết tới nhiều hơn.

Vào dịp cao điểm, nơi này có thể đón từ 250 đến 300 khách/ngày. Những ngày nắng nóng hoặc mùa đông lạnh, suối Bò Ấm rất hút khách. Đặc biệt là vào mùa đông, suối khoáng này càng ấm hơn.

"Năm 2023, đoàn địa chất từ Trung ương về khảo sát, tiến hành đo, kiểm tra nhiệt độ nước và cho biết độ pH trong nước vừa phải, không nhiều lưu huỳnh. Vào mùa đông, trời càng lạnh, nguồn nước nóng lại càng ấm hơn nên người địa phương rất thích tới ngâm mình để thư giãn, tốt cho sức khỏe", ông Khương nói.

Dù có thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên nhưng hiện dịch vụ ở suối khoáng còn đơn sơ, chưa có nhiều tiện ích. Tắm suối xong, khách có thể ăn nhẹ ở lán trại dựng bên cạnh hoặc chụp hình giữa cánh đồng lúa.

Cách đó chừng 700m là các homestay của những thành viên trong HTX mở ra để đón khách. Tại đây, du khách có thể ăn uống, nghỉ lại trong ngày với mức giá trọn gói từ 500.000 đồng/người.

"Phần lớn khách đến đây vẫn là người địa phương và du khách ở vùng lân cận. Đôi khi chúng tôi cũng đón những nhóm khách nước ngoài từ khu vực Mai Châu tới trải nghiệm.

Trong tương lai, chúng tôi rất mong muốn điểm đến này được đầu tư để phát triển mở rộng, qua đó đón thêm nhiều khách du lịch, tăng nguồn sinh kế cho người dân địa phương", ông Khương bày tỏ.

Ảnh: Việt Hà