Vào đúng đợt cao điểm, hàng quán thịt chó ở Hàn Quốc đìu hiu

Huy Hoàng

(Dân trí) - Bất chấp vào đợt cao điểm người dân có thói quen ăn nhiều thịt chó nhưng nay các khu chợ vốn nhộn nhịp nhiều nhà hàng bán món ăn này ở tỉnh Kyunggi, Hàn Quốc, rơi vào tình trạng vắng khách.

Hàng quán thịt chó ở Hàn Quốc rơi vào cảnh đìu hiu

Khi dịp "chobok" (ngày bắt đầu của mùa nóng) đang tới gần, những con phố nhộn nhịp một thời của nhiều cửa hàng phục vụ món thịt chó trong chợ Moran, Seongnam, tỉnh Kyunggi, vẫn rơi vào tình trạng vắng tanh.

Vào đúng đợt cao điểm, hàng quán thịt chó ở Hàn Quốc đìu hiu - 1
Cửa hàng bán thịt chó ở chợ Moran không một bóng khách dù đang là đợt cao điểm (Ảnh: Korea Times).

Theo truyền thống, vào dịp "chobok", người dân Hàn Quốc có thói quen ăn thịt chó để giải nhiệt. Họ cho rằng đây là thực phẩm đặc biệt giúp cung cấp năng lượng. "Bosintang", thịt chó hầm vốn là món ăn truyền thống và phổ biến của người dân "xứ kim chi".

Chợ Moran từng là một trong 3 chợ thịt chó lớn nhất ở Hàn Quốc, cung cấp món ăn nấu chín từ những năm 1960. Tuy nhiên, con hẻm từng tụ tập hơn 50 quán thịt chó, thì nay hầu như vắng tanh và chỉ còn khoảng 20 quán.

Vào 18h một buổi chiều thứ 7, các hàng quán tại đây chỉ thưa thớt khách ăn. Sự suy giảm của ngành kinh doanh thịt chó phần lớn do lệnh cấm thịt chó có hiệu lực vào tháng 2, bao gồm thời gian gia hạn 3 năm.

Trước đó vào tháng 1, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua một dự luật đặc biệt, hướng tới mục tiêu cấm nhân giống, giết mổ và phân phối bán chó lấy thịt trong bối cảnh nhận thức về quyền động vật ở quốc gia này ngày càng tăng.

"Bình thường vào dịp này trong năm là mùa cao điểm bán món thịt chó hầm, nhưng mọi thứ bây giờ không còn như vậy", một chủ cửa tiệm (không tiết lộ danh tính) kinh doanh món thịt chó hơn 30 năm tại chợ Moran nói.

Vào đúng đợt cao điểm, hàng quán thịt chó ở Hàn Quốc đìu hiu - 2
Vào dịp hè, theo truyền thống người Hàn Quốc có thói quen ăn thịt chó hầm (Ảnh: News).

Vị tiểu thương này cũng tiết lộ doanh số bán hàng năm nay giảm mạnh, chỉ bằng 20% so với năm ngoái.

"Chúng tôi vẫn đôi lúc có khách quen đến ăn món chó hầm. Tất nhiên đây là món ăn ngon miệng và lành mạnh. Nhưng kể từ khi chính phủ cấm kinh doanh, chúng tôi vắng khách hẳn và chỉ còn cách ngừng bán. Để duy trì cửa tiệm, tôi phải bán thêm thịt dê và thịt vịt", một chủ cửa tiệm giấu tên khác chia sẻ.

Theo khảo sát của truyền thông nước này, năm 2022 Hàn Quốc có 1.156 trang trại nuôi chó, nuôi hơn 520.000 con lấy thịt. Quốc gia này có 1.666 nhà hàng thịt chó, sử dụng mỗi năm khoảng 388.000 con.

Do dự luật đặc biệt yêu cầu những người nuôi thịt chó phải bán số hàng còn lại hoặc gia hạn thời gian 3 năm kết thúc vào tháng 2/2027, Hàn Quốc đang xem xét kế hoạch bồi thường cho chủ trang trại và chủ nhà hàng vào tháng 9. Để đủ điều kiện bồi thường, chủ nhà hàng phải nộp kế hoạch đóng cửa hoặc chuyển đổi kinh doanh trước ngày 5/8.

Cấm ăn thịt chó vẫn gây tranh cãi

Bất chấp kế hoạch bồi thường của chính phủ, các bên liên quan trong ngành kinh doanh thịt chó vẫn tiếp tục phản đối.

Hiệp hội Thịt chó Hàn Quốc, một tổ chức toàn quốc với gần 1.000 thành viên, đã đệ đơn lên Tòa án Hiến pháp vào tháng 3 để vô hiệu hóa lệnh cấm thịt chó, cho rằng lệnh cấm này xâm phạm quyền lựa chọn chế độ ăn uống của người dân và quyền tự do nghề nghiệp của các thành viên.

Vào đúng đợt cao điểm, hàng quán thịt chó ở Hàn Quốc đìu hiu - 3
Những con chó trong chuồng chờ bị làm thịt ở Hàn Quốc (Ảnh: Korea Times).

"Đã 6 tháng trôi qua kể từ khi ban hành lệnh cấm thịt chó nhưng chính quyền chưa đưa ra các tiêu chuẩn hay kế hoạch cơ bản để hỗ trợ nhà hàng chuyển đổi", người đại diện nói.

Trong khi đó, những nhà bảo vệ quyền lợi động vật tiếp tục duy trì quan điểm của mình. Mới đây, 8 nhóm ủng hộ động vật đã tổ chức một sự kiện chung tại suối Cheonggye để tưởng nhớ những con vật bị làm thịt vì mục đích tiêu dùng của con người và kêu gọi không tiếp tục xâm phạm quyền sống của chúng.

"Trong thời gian 3 năm, các bên liên quan trong ngành cần nhanh chóng đóng cửa cơ sở kinh doanh thịt chó hay tham gia hoạt động bất hợp pháp bao gồm cả giết mổ động vật", một nhà vận động vì quyền động vật kêu gọi chính phủ mạnh tay chấm dứt việc buôn bán.