Vắng khách quốc tế, nhiều khách sạn ở TPHCM đóng cửa, mong được giãn nợ

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Trước tình hình hàng loạt cơ sở lưu trú trên địa bàn TPHCM trả mặt bằng, Sở Du lịch TPHCM và đại diện các quận, huyện, chủ khách sạn đã cùng bàn luận về giải pháp giúp các cơ sở "sống sót".

Hạn chế nguồn khách nội địa, khách quốc tế

Tại tọa đàm "Thực trạng và giải pháp trong hoạt động kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn TPHCM" do Sở Du lịch thành phố tổ chức, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, hiện nay hệ thống khách sạn từ 0-3 sao quy mô vừa và nhỏ hạn chế về nguồn khách quốc tế nên chưa kịp phục hồi.

Vắng khách quốc tế, nhiều khách sạn ở TPHCM đóng cửa, mong được giãn nợ - 1

Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu phát biểu tại tọa đàm (Ảnh: Nguyễn Vy).

Ngoài ra, nguồn lực nhân sự chất lượng cao chuyển sang nghề khác và không có xu hướng trở lại. Cơ sở vật chất đang xuống cấp cần duy tu, đặc biệt khách sạn chưa đáp ứng tiêu chí kinh doanh lưu trú theo quy định của Luật Du lịch. Vì vậy, thành phố xuất hiện khách sạn đóng cửa kinh doanh hoặc thay đổi loại hình kinh doanh để bám trụ.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận 1 Đỗ Thị Ánh Tuyết cho biết, địa bàn quận luôn được xem là điểm không thể bỏ qua của khách du lịch. Tuy nhiên, các cơ sở lưu trú tại quận 1 vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đón khách trở lại sau những ảnh hưởng của dịch Covid-19.

"Các cơ sở lưu trú liên tục trả mặt bằng. Nguyên nhân là do chủ bán nhà, hoặc mặt bằng đó chuyển hình thức kinh doanh, buộc chủ phải lấy lại. Cũng có nhiều chủ khách sạn làm ăn không được, phải trả mặt để tìm đối tác khác làm ăn, hoặc đi nơi khác rẻ hơn để tự bảo vệ mình", bà Tuyết nói.

Vắng khách quốc tế, nhiều khách sạn ở TPHCM đóng cửa, mong được giãn nợ - 2

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin quận 1 Đỗ Thị Ánh Tuyết nêu rõ những khó khăn mà doanh nghiệp lưu trú trên địa bàn đang gặp phải (Ảnh: Nguyễn Vy).

Thực tế, các khách sạn có quy mô vừa và nhỏ trên địa bàn gặp nhiều hạn chế về nguồn khách nội địa và quốc tế nhất là lượng khách quốc tế đến TPHCM chưa đạt được như kỳ vọng (độ dài lưu trú và chi tiêu bình quân còn thấp).

Dịch bệnh Covid-19 kéo dài dẫn đến nhiều nhân sự của các cơ sở lưu trú du lịch đã chuyển ngành nghề và không quay lại lĩnh vực du lịch. Một số nhân sự nghỉ việc, về quê và không quay lại, dẫn đến việc hầu hết các cơ sở lưu trú du lịch đang thiếu hụt nhân sự.

"Ngoài ra, các cơ sở lưu trú du lịch có cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, trong khi lãi suất ngân hàng thì tăng và ngân hàng thì siết cho vay. Điều này dẫn đến thiếu ngân sách đầu tư sửa chữa, thay mới và phải kể đến là một số tiêu chí về điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú chưa đáp ứng theo quy định", bà Tuyết nhấn mạnh.

Đại diện UBND quận 10 cũng nêu rõ, hiện nay đa số các cơ sở lưu trú đang khai thác ở mức trung bình, khoảng 50-60% số phòng hiện có của các cơ sở.

Nguyên nhân được xác định là do lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến thành phố giảm. Một số ngành dịch vụ tại thành phố kinh doanh khó khăn, kéo theo lượng khách lưu trú ngắn hạn giảm.

Qua kiểm tra điều kiện tối thiểu cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ cơ sở lưu trú du lịch ở 16 cơ sở lưu trú trên địa bàn quận 10, chỉ có 4 cơ sở đạt, 12 cơ sở không đạt điều kiện tối thiểu. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất của các cơ sở trong thời gian qua còn thấp, hạn chế; công tác quảng bá dịch vụ, liên kết khai thác chưa được đầu tư đúng mức.

Thay đổi để "sống sót"

Quản lý truyền thông chuỗi khách sạn Wink Nguyễn Hoàng Như Thảo chia sẻ, để thay đổi và thích nghi, đơn vị đã phát triển các gói dịch vụ phù hợp với mức chi tiêu và nhu cầu của khách hàng nội địa bao gồm cả người Việt và người nước ngoài sống tại Việt Nam.

Ngoài ra, Wink còn đẩy mạnh ngân sách và tập trung năng lực xây dựng nội dung thú vị và thu hút trên các kênh mạng xã hội. Đơn vị sẵn sàng đổi mới hệ thống quản lý vận hành, quản lý doanh thu và chăm sóc khách hàng, nhằm giảm thiểu các việc sử dụng việc quản lý thủ công hoặc rườm rà. Từ đó, việc thu thập data, chăm sóc khách hàng diễn ra thuận lợi hơn.

Vắng khách quốc tế, nhiều khách sạn ở TPHCM đóng cửa, mong được giãn nợ - 3

Quản lý truyền thông chuỗi khách sạn Wink Nguyễn Hoàng Như Thảo cho biết đơn vị đã áp dụng nhiều giải pháp đổi mới, giúp khách sạn hồi phục kinh doanh sau dịch Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Vy).

Để giải quyết vấn đề nhân sự, khách sạn nhanh chóng ứng dụng công nghệ (như hệ thống check-in tự động, tự giặt ủi,…), giúp giảm lượng nhân sự chỉ còn 1/5 so với trước đó. Riêng việc đào tạo, khách sạn cũng chủ động đào tạo cho nhân sự liên tục để ai cũng hiểu và có thể chia sẻ công việc của người khác khi cần.

"Chúng tôi còn đổi mới sản phẩm bằng cách cho phép khách được nhận phòng với thời gian linh hoạt và không áp dụng tính phí bù giờ. Khách cũng có thể thoải mái sử dụng dịch vụ ăn uống bên ngoài, thay vì chỉ ăn những món có trong thực đơn khách sạn", bà Như Thảo trình bày.

Qua đó, bà Đỗ Thị Ánh Tuyết cũng đồng tình rằng, hiện nay có nhiều khách sạn ế ẩm do không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

"Doanh nghiệp lưu trú cần biết thế mạnh của mình là gì, để chủ động thay đổi chứ không nên chờ đợi. Các cơ sở có thể kết hợp dịch vụ lưu trú, kèm theo nghỉ dưỡng, ăn uống, chăm sóc sức khỏe,…", bà Tuyết nói.

Từ đó, lãnh đạo quận 1 đề xuất Sở Du lịch cần rà soát nhu cầu nguồn nhân lực tại các cơ sở lưu trú, xem xét về thời gian đào tạo, bồi dưỡng phù hợp trong giai đoạn cấp thiết như hiện nay (hiện nay đào tạo các chứng chỉ nghiệp vụ thì khoảng 3 tháng).

Đại diện khách sạn A25 Nguyễn Thị Thúy Loan cho hay, hiện tại giá bán điện ở khung kinh doanh dịch vụ là cao nhất trong các khung giá. Đơn vị cũng đề xuất giảm khung giá điện kinh doanh dịch vụ lưu trú bằng với khung giá điện sản xuất trong vòng 3 năm; giảm giá nước sinh hoạt và chi phí Internet.

"Chúng tôi cũng mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, được hỗ trợ giãn nợ vay, để hỗ trợ các doanh nghiệp chúng tôi có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất", bà Loan phát biểu.

Tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM Bùi Thị Ngọc Hiếu cho hay đã tiếp nhận hết mọi đề xuất của đại diện quận, huyện, chủ khách sạn trên địa bàn và sẽ trao đổi với các cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, đưa ra giải pháp.

Ngoài ra, bà Hiếu thông tin rằng, sắp tới thành phố sẽ tổ chức ngày hội du lịch TPHCM, sàn giao dịch việc làm,… góp phần kích cầu du lịch và tìm kiếm nguồn nhân lực cho các cơ sở lưu trú.