Từ sai lầm quy hoạch biến tháp nghiêng Pisa thành biểu tượng hàng thế kỷ

Huy Hoàng

(Dân trí) - Ít người biết rằng, bản thân tháp Pisa - công trình mang tính biểu tượng của Italia khi được xây dựng theo quy hoạch ban đầu không hề bị nghiêng như hiện tại, mà đến từ một sai lầm.

Tháp nghiêng Pisa là tòa tháp chuông nằm tại thành phố Pisa, Italia, được xây dựng năm 1173, nhưng khi công việc tiến triển tới tầng 2 vào năm 1178 thì bị dừng lại.

Suốt nhiều thế kỷ, tòa tháp trở thành công trình mang tính biểu tượng của Italia. Nhưng sự nổi tiếng của nó không đến từ quy mô khổng lồ hay cấu trúc phức tạp, mà ít ai ngờ được lại do một quyết định quy hoạch bị tính toán sai.

Từ sai lầm quy hoạch biến tháp nghiêng Pisa thành biểu tượng hàng thế kỷ - 1
Suốt nhiều thế kỷ, tháp nghiêng Pisa đã trở thành công trình mang tính biểu tượng của Italia (Ảnh: Travel).

Theo dự tính ban đầu, tháp Pisa được xây làm tháp chuông cho khu phức hợp nhà thờ Pisa. Đến nay vẫn chưa xác định được ai là kỹ sư thiết kế của công trình, nhưng có hai ứng cử viên chính là Bonanno Pisano và Diotisalvi. Có lẽ, "cha đẻ" của công trình vẫn là bí ẩn, nên đến nay không thể đổ lỗi cho bất cứ cá nhân nào.

Từ sai lầm quy hoạch biến tháp nghiêng Pisa thành biểu tượng hàng thế kỷ

Quá trình xây dựng tháp trải qua rất nhiều khó khăn vì thời điểm đó khu vực này thường xuyên xảy ra xung đột. Thêm nữa là việc thiếu nguồn lực để tiếp tục xây dựng trong hầu hết thời gian.

Khi bắt đầu xây dựng tầng hai, móng tòa tháp bắt đầu lún xuống do nền đất không ổn định. Nhưng độ nghiêng không khiến chính quyền địa phương nản lòng.

Từ sai lầm quy hoạch biến tháp nghiêng Pisa thành biểu tượng hàng thế kỷ - 2
Công trình bị nghiêng sang một bên vì tính toán sai (Ảnh cắt từ clip).

Tới khi xây tầng 3, tòa tháp bắt đầu nghiêng vì lún 0,2 độ về phía tây bắc. Khi đó, các kỹ sư nỗ lực điều chỉnh độ nghiêng. Sau khi cấu trúc tăng thêm chiều cao thì tòa tháp cuối cùng lại nghiêng một độ về phía nam.

Công trình vẫn được tiếp tục xây dựng cũng như độ nghiêng của nó. Người ta cố chống lại độ nghiêng bằng cách làm cho các tầng trên cao hơn về một phía nhưng trọng lượng tăng khiến phần móng vốn xây trên nền bùn cát càng lún hơn.

Phong cách kiến trúc của tòa tháp là sự pha trộn mang phong cách La Mã, còn tháp chuông lấy cảm hứng từ kiến trúc Gothic. Sau quá trình xây dựng dài và phức tạp, cuối cùng công trình hoàn thành vào năm 1327.

Từ sai lầm quy hoạch biến tháp nghiêng Pisa thành biểu tượng hàng thế kỷ - 3
Chiều cao của tháp có sự dao động do độ nghiêng luôn thay đổi (Ảnh: Trip).

Các chuyên gia nhận định, thời gian xây dựng kéo dài được xem là "điều tốt", vì nó giúp mặt đất ổn định hơn. Công trình cao 55,86m tính từ mặt đất tới nóc bên thấp, cao 56,70m nếu tính từ mặt đất tới nóc bên cao và nặng 16.000 tấn. Chiều cao của tháp có sự dao động do độ nghiêng luôn thay đổi.

Suốt chiều dài lịch sử, tòa tháp đóng vai trò quan trọng trong nhiều sự kiện thú vị, bao gồm cả thí nghiệm Galileo. Nhà vật lý này sống ở thành phố Pisa thời điểm đó.

Lịch sử Italia từng chứng kiến nhiều trận động đất có sức tàn phá lớn. Trung tâm đất nước này nằm ngay tại ranh giới nơi mảng kiến tạo địa chất châu Á và châu Âu gặp châu Phi, do vậy hay xảy ra những trận động đất lớn.

Để điều chỉnh độ nghiêng và giảm nguy cơ sập, các kỹ sư thử thêm một số thủ thuật, bao gồm thêm các đối trọng bằng chì vào phần chân đế và đặt giàn giáo ở phần yếu nhất của tháp. Nhưng tới những năm 1990, độ nghiêng đã lên tới 5,5 độ.

Từ sai lầm quy hoạch biến tháp nghiêng Pisa thành biểu tượng hàng thế kỷ - 4
Hàng năm điểm đến này đón hàng chục triệu lượt khách (Ảnh: Do Travel).

Trong quá trình trùng tu thực hiện từ năm 1990 đến 2001, phần móng phía bắc bị đào và độ nghiêng giảm một nửa. Năm 2008, giới khoa học thông báo độ nghiêng của tháp Pisa đã dừng lại ở con số 3,9 độ. Các chuyên gia nhận định, tòa tháp sẽ ổn định trong khoảng 300 năm nữa.

Ngày nay, tháp nghiêng Pisa trở thành điểm đến mang tính biểu tượng, thu hút lượng lớn khách tham quan. Thời điểm ghé thăm lý tưởng nhất vào khoảng từ tháng 3 tới tháng 6 hàng năm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm