Trung Quốc san phẳng cồn cát cao 70 m với 1,2 triệu m3 cát để làm đường

(Dân trí) - Trung Quốc đang tiến hành san phẳng cồn cát cao 70 m, di dời 1,2 triệu m3 cát để xây tuyến đường xuyên qua sa mạc lớn nhất nước này.

Xem Trung Quốc san phẳng cồn cát cao 70m xây đường xuyên sa mạc lớn nhất

Việc xây dựng tuyến Úy Lê – Thả Mạt là tuyến đường cao tốc thứ 3 chạy xuyên qua sa mạc lớn nhất Trung Quốc Taklimakan đang được tiến hành ở khu tự trị Tân Cương thuộc phía tây bắc Tân Cương.

Hơn 200 công nhân đã san phẳng cồn cát cao tới 70 m. Đây là cồn cát lớn nhất họ gặp phải trong quá trình xây dựng. Với chiều cao này đồng nghĩa với việc nhóm công nhân phải di dời 1,2 triệu m3 cát và san lấp 100.000 m3 vật liệu xây dựng, phục vụ cho tuyến đường.

Trung Quốc san phẳng cồn cát cao 70 m với 1,2 triệu m3 cát để làm đường - 1
San phẳng cồn cát cao 70 m với 1,2 triệu m3 cát để làm đường

Theo ông Yan Hai, Phó giám đốc của dự án xây dựng cao tốc Úy Lê – Thả Mạt, sẽ mất khoảng 3 tháng để san phẳng cồn cát. Với khối lượng 1,2 triệu m3 cát cần di chuyển có nghĩa là một xe tải 40 tấn cần chạy đi chạy lại khoảng 42.000 chuyến.

“Đây là phần khó nhất trong quá trình làm đường. Chúng tôi đã nối lại việc xây dựng kể từ ngày 6/4, hiện hoàn thành khoảng 75 % dự án, trong đó bao gồm cả việc xây cầu, nền đường. Công việc này dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 6”, ông Yan Hai chia sẻ.

Trung Quốc xây đường cao tốc thứ 3 xuyên qua sa mạc Taklimakan

Được biết, đây là tuyến cao tốc thứ 3 chạy xuyên qua sa mạc mới nhất ở Trung Quốc. Tuyến đường có chiều dài 330 km, dự kiến thông xe vào năm 2021.

Sa mạc Taklamakan còn gọi là Taklimakan, là một sa mạc tại Trung Á, trong khu vực thuộc Khu tự trị dân tộc Duy Ngô Nhĩ Tân Cương ở Trung Quốc. Đây cũng là sa mạc lớn nhất quốc gia này, với diện tích hơn 33.700 km2.

Trung Quốc san phẳng cồn cát cao 70 m với 1,2 triệu m3 cát để làm đường - 2
Vẻ đẹp mê hồn của sa mạc Taklamakan – nơi có đi mà không có về

Từ xa xưa, địa danh này vốn nổi tiếng vì gắn liền với câu nói “nơi có đi mà không có về”, bởi người xưa tin rằng, một khi đã vào vùng đất này sẽ không có đường trở về. Thực tế, vùng sa mạc Taklamakan từ xưa đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với giao thương Á - Âu.

Ngày nay, các nhà khảo cổ mới chỉ khám phá được một phần nhỏ những bí ẩn liên quan tới vùng đất hoang vu này – nơi thường ngập chìm trong bầu không khí huyền thoại.

Quốc Việt

Theo Xinhua/ News