Tránh giao thông đông đúc giờ cao điểm, người dân bơi từ chỗ làm về nhà
(Dân trí) - Tan giờ làm việc, thay vì di chuyển bằng phương tiện công cộng hay xe cá nhân, chị Evelyn Schneider-Reyes (Thụy Sĩ) chỉ mất 30 giây đi bộ từ văn phòng tới bờ sông Aere rồi bơi về nhà.
Với chị Evelyn Schneider-Reyes, bơi trên sông để về nhà là cách thuận tiện và để thư giãn sau một ngày làm việc ở công sở. Trước khi xuống nước, chị cho toàn bộ đồ cá nhân như quần áo, điện thoại, ví và giày dép vào túi chống thấm nước rồi mặc đồ bơi. Sau 15 phút dưới nước, chị tiếp tục đi bộ 8 phút lên đồi là về tới nhà.
Không chỉ riêng chị Evelyn Schneider-Reyes, nhiều người dân Thụy Sĩ cũng chọn cách này để di chuyển từ nơi làm việc về nhà, thay vì đi trên các phương tiện công cộng hay xe cá nhân để tránh giao thông đông đúc vào giờ cao điểm.
Sông Aare chảy qua thành phố Bern quyến rũ của Thụy Sĩ đặc biệt đông đúc vào mùa hè. Đây là thời điểm hàng nghìn người dân và du khách nhảy xuống dòng nước trong lành khi nhiệt độ chỉ khoảng 21 độ C.
Để thuận tiện và đảm bảo an toàn, giới chức địa phương còn thiết lập các điểm lên xuống được sơn đỏ để người dân bám vào, giúp lên xuống dễ dàng.
Chị Anna Baehni sống ở khu phố cổ của thành phố Bern, nơi chỉ cách bờ sông một đoạn đi bộ ngắn. Vào mùa hè, người phụ nữ này liên tục xuống bơi và thấy rằng đây là cách để khám phá một góc nhìn rất khác về người dân địa phương.
"Tôi thấy người dân Bern có thể không quá thân thiện trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng khi ở dưới sông lại rất khác. Mọi người đều hét lên, chào hỏi những người bơi ngang qua và thậm chí đó là người lạ", chị Anna nói.
Tuy nhiên người phụ nữ này cũng lưu ý cần biết nơi nào an toàn để bơi và xác định dòng chảy để không bị cuốn đi. Lần đầu tiên xuống nước, chị được nhóm bạn chỉ cho cách bơi an toàn xuôi theo dòng nước.
Trong khi đó, cách Bern khoảng 100km về phía bắc, người dân cũng có thói quen bơi theo dòng sông Rhine để về nhà sau khi tan làm.
Để đồ đạc không bị ướt, họ thường cho các món đồ cá nhân vào túi chống nước có tên gọi là "Wickelfisch" với kích thước lớn rồi nhảy xuống sông và thả lỏng cơ thể. Những chiếc túi có hình con cá nhiều màu sắc rực rỡ, được bày bán khắp nơi trong thành phố, giúp đồ tư trang luôn khô ráo trong suốt chuyến đi "thả trôi" trên bề mặt sông Rhine.
Rhine vốn là con sông dài thứ 2 ở châu Âu, bắt nguồn từ dãy Alps. Dòng sông chia thành phố Basel thành hai phần, với một bên là khu vực phố cổ có trung tâm thương mại lâu đời, còn phía bên kia tập trung những công trình kiến trúc hiện đại với nhiều quán bar, nhà hàng, nên thu hút rất đông khách du lịch.
Nhằm phục vụ cho người bơi, chính quyền địa phương đã bố trí những cabin nhỏ gần sông làm phòng thay đồ. Khu vực này cũng có cả những phòng tắm hay nhà vệ sinh công cộng đặt dọc theo tuyến.
Hiện video ghi cảnh người dân Thụy Sĩ bơi trên sông để về nhà sau mỗi ngày tan sở thu hút hàng triệu lượt xem trên mạng xã hội.
Được biết, tại nhiều thành phố lớn như Basel, Berne, Zurich và Geneva, chính quyền địa phương đã hỗ trợ và thiết kế để các con sông trở nên an toàn với người bơi khi tiếp cận.
Cụ thể, từ những năm 1980, thành phố xây dựng cơ sở xử lý nước thải và chuyển nước thải sinh hoạt ra khỏi sông, thiết kế bậc thang bê tông lên xuống và bản đồ hướng dẫn an toàn cho người bơi.