TPHCM có nhiều tiềm năng để phát triển tour du thuyền

Khánh My

(Dân trí) - Sở Du lịch đặt mục tiêu đến năm 2025 khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn, liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến nội đô.

Nhiều khó khăn bất cập trong phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn được các chuyên gia, khách mời thẳng thắn chia sẻ tại tọa đàm Tiềm năng phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn diễn ra ngày 12/12 tại TPHCM do báo Pháp Luật TPHCM tổ chức.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập báo Pháp Luật TPHCM, chia sẻ, tọa đàm diễn ra trong bối cảnh TPHCM đang nghiên cứu, triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm tập trung phát triển du lịch đường thủy, phát huy tiềm năng hai bờ sông Sài Gòn để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thương mại, vận tải, du lịch…

TPHCM có nhiều tiềm năng để phát triển tour du thuyền - 1

Tour du thuyền là sản phẩm du lịch rất tiềm năng ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Giám).

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử TPHCM, nhấn mạnh, phát triển du lịch cộng đồng phải bắt đầu từ ý thức, sự hiểu biết và tự hào của cư dân thành phố đối với đặc thù vùng miền.

"Nếu phát triển đúng hướng, tuyến đường sông không chỉ là giao thông mà còn là du lịch. Một hệ thống dịch vụ khách trên bờ và ven bờ cũng sẽ được phát triển cùng đường sông.

Không chỉ doanh nghiệp du lịch hưởng lợi mà còn cả hệ sinh thái nếu biết đầu tư đúng hướng và hướng đến cộng đồng hơn 10 triệu dân thành phố", bà Hậu nói.

Chuyên gia nêu quan điểm việc phát triển ven sông bền vững thì không chỉ nhìn vào 2 bên bờ sông nhằm phát triển bất động sản vì sẽ dễ gặp phải những sai lầm như trước đây, khó sửa chữa.

TPHCM có nhiều tiềm năng để phát triển tour du thuyền - 2

Nhiều khách mời thẳng thắn chia sẻ những khó khăn trong phát triển tour du thuyền ở TPHCM (Ảnh: Khánh My).

Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng Thư ký CLB Du thuyền TP Thủ Đức, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hàng hải Thủ Đức, chia sẻ, hiện đơn vị và nhiều doanh nghiệp đầu tư du thuyền cá nhân hay du thuyền phục vụ du lịch trên sông gặp một số khó khăn nhất định.

Ở Việt Nam, chưa có một trung tâm hàng hải để thực hiện các giao dịch thương mại, tập huấn, trải nghiệm làm quen du thuyền cho người sử dụng mà cần phải thông qua các trung tâm hàng hải ở Thái Lan.

Từ đó, ông Thắng nhấn mạnh việc đầu tư hình thành bến neo, đặc biệt trung tâm hàng hải đúng nghĩa là việc làm cấp thiết. Ngoài ra, khó khăn trong đăng ký đăng kiểm cũng là trở ngại với doanh nghiệp. 

TPHCM có nhiều tiềm năng để phát triển tour du thuyền - 3

Ông Nguyễn Trần Hữu Thắng, Tổng Thư ký CLB Du thuyền TP Thủ Đức cho rằng, cần phải gia tăng số lượng bến neo (Ảnh: Khánh My).

Theo Tổng Thư ký CLB Du thuyền TP Thủ Đức, làm sao để gia tăng số lượng bến neo, bến đậu bến thủy nội địa là yếu tố quan trọng để phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn.

Ông mong TPHCM có thể xem xét đơn giản hóa quy trình và thủ tục pháp lý để giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư qua các chương trình như: ưu đãi thuế, hỗ trợ nguồn lực cho doanh nghiệp tham gia các dự án…

Ông Nguyễn Hữu Ân (Đại diện Sở Du lịch TPHCM) khẳng định, TPHCM có tiềm năng và lợi thế rất lớn để phát triển du thuyền và kinh tế ven sông Sài Gòn. Lượng du khách đường biển đã và đang mang lại nguồn doanh thu lớn với TPHCM.

Nhiều sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác như: tuyến Bình Quới - Thanh Đa, tuyến Nhiêu Lộc Thị Nghè, tuyến Cần Giờ, tuyến Củ Chi, tuyến miền Tây, tuyến Đông Nam Bộ…

Trong khi đó, nói về những bất cập hạn chế của các tour du thuyền hiện nay, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM nói: 

"Hiện nay, với các tour du thuyền, khách phải đến trực tiếp bến tàu mới mua được vé, nhiều khi đến trực tiếp bến tàu rồi còn không mua được vé vì vé đã bán hết. Phải làm sao có giải pháp để khách tiếp cận rộng rãi, dễ dàng bằng công nghệ thông tin".

Thời gian qua TPHCM có nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh du lịch sông nước, như: Lễ hội sông nước TPHCM, tổ chức những đoàn khảo sát giới thiệu du lịch đường thủy…

Theo ông Nguyễn Hữu Ân, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 khai thác trên tất cả tuyến sông Sài Gòn, liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến nội đô.

Số lượng khách năm 2023 và 2024 đạt 500.000 lượt/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo. Doanh thu mục tiêu năm 2023 và 2024 đạt 300 tỷ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong năm tiếp theo.