Tiết lộ sự thật về xác ướp cổ đại hàng nghìn năm tuổi có mùi khó chịu?
(Dân trí) - Sử dụng những chiếc "mũi điện tử" là các máy đánh hơi sinh học, các chuyên gia đã tìm ra câu trả lời về mùi của những xác ướp Ai Cập cổ đại không có mùi khó chịu như nhiều người từng lầm tưởng.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Ljubljana (Slovenia) vừa công bố những khám phá về quá trình ướp xác của người Ai Cập cổ đại bằng cách phân tích mùi hương của xác ướp. Qua đó, công chúng sẽ có câu trả lời rõ ràng nhất về những xác ướp cổ đại hàng nghìn năm tuổi có mùi thế nào?

Kết quả tiết lộ hôm 13/2 cho thấy, sau hàng nghìn năm, các xác ướp Ai Cập không có mùi khó chịu như nhiều người nhầm tưởng. Ngược lại, nhờ những bậc thầy về ướp xác, thi thể người đã khuất đã bị khô quắt nhưng vẫn lưu giữ nhiều mùi hương tỏa ra từ dầu và sáp thơm.
"Các xác ướp có mùi ra sao vốn là câu hỏi được giới chuyên gia và công chúng đặc biệt quan tâm. Nhưng tới nay chưa có nghiên cứu nào thực hiện cho tới thời điểm hiện tại. Chúng tôi đã phân tích mùi của 9 xác ướp được lưu giữ tại Bảo tàng Ai Cập ở thủ đô Cairo, nơi vốn thu hút rất đông khách du lịch tới tìm hiểu", Giáo sư Matija Strlic từ Đại học Ljubljana cho biết.
Được biết, trong lần phân tích này có cả xác ướp lâu đời nhất tồn tại từ khoảng năm 1539 trước Công nguyên.
Bằng cách sử dụng "mũi điện tử" là những chiếc máy đánh hơi sinh học để tìm ra câu trả lời tối ưu nhất. Kết quả phân tích cho thấy, xác ướp hàng nghìn năm tuổi vẫn tỏa ra một tổ hợp mùi thơm phức tạp, chủ yếu thuộc nhóm gỗ, mùi cay và cả mùi ngọt.
Các chuyên gia khẳng định, đây không phải là mùi của sự phân hủy thi thể như công chúng vẫn lầm tưởng, mà còn dấu vết của các loại nhựa cây, tinh dầu, sáp ong, dược liệu. Chúng đều được sử dụng để bảo quản thi thể. Đây cũng là nguyên liệu từng rất phổ biến của người Ai Cập cổ đại khi dùng ướp xác.

Kết quả cho thấy, 78% mẫu còn giữ mùi hương gỗ, 67% mẫu được mô tả có mùi cay và 56% mẫu có mùi ngọt. Khoảng 1/3 số xác ướp tỏa ra mùi khó chịu.
Theo tài liệu cổ ghi chép, người Ai Cập cổ đại rất coi trọng mùi hương bởi nó mang ý nghĩa tâm linh. Họ tin rằng, mùi hương dễ chịu là dấu hiệu của sự thanh khiết, còn mùi khó chịu là biểu hiện của sự mục nát, suy tàn.
Bởi vậy trong các nghi thức tôn giáo đặc biệt là quá trình ướp xác, họ dùng rất nhiều dầu thơm, nhựa cây quý, hương liệu để bảo quản thi thể người đã chết. Bằng cách này, linh hồn người chết có thể tiếp tục hành trình sang bên kia thế giới.
Tiết lộ sự thật về xác ướp cổ đại hàng nghìn năm tuổi có mùi khó chịu (Nguồn video: News)
Trong khi đó, Giáo sư Ali Abdelhalim, giám đốc Bảo tàng Ai Cập ở Cairo, nhận định, sử dụng vật liệu để ướp xác ra sao còn giúp phản ánh tình trạng địa vị xã hội của người chết.
Có xác ướp dùng những loại nhựa cây quý hiếm, nhưng cũng có xác ướp chỉ dùng sáp ong hoặc vật liệu đơn giản hơn. Điều này thể hiện sự phân tầng địa vị xã hội rõ nét trong thời cổ đại.
Bên cạnh đó, Giáo sư Matija cho rằng, việc phân tích mùi hương đóng vai trò quan trọng để tìm hiểu về kỹ thuật ướp xác và các bảo tồn trong các bảo tàng sao cho có thể nhận biết dấu hiệu thi thể bị phân hủy. Qua đó, các chuyên gia sẽ có biện pháp bảo vệ những di sản quý giá này.
Bảo tàng Ai Cập còn gọi là bảo tàng Cairo, trở thành điểm đến không thể bỏ qua với những du khách yêu thích nền văn minh cổ đại.
Nơi đây sở hữu những bộ sưu tập cổ vật Ai Cập lớn nhất thế giới, trong đó bao gồm nhiều xác ướp hàng nghìn năm tuổi.
Đặc biệt nhất là phòng trưng bày quan tài bằng vàng khối của Pharaoh Tutankhamun cùng nhiều đồ tùy táng bằng vàng.
Để khám phá hết bảo tàng này, du khách cần khoảng 2-3 ngày.