Hội An:

Thuyền thúng "thay áo mới", sẵn sàng đón khách quay trở lại

Ngô Linh

(Dân trí) - Người người quét sơn, trang trí "thay áo mới" cho thuyền thúng. Không khí chờ đón du khách tại rừng dừa Bảy Mẫu, TP Hội An rộn ràng sau đại dịch Covid-19.

Rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam) được mệnh danh là "thủ phủ" thuyền thúng (thúng chai) của xứ Quảng. Nơi đây quy tụ gần 1.200 chiếc thuyền thúng chuyên phục vụ khách du lịch.

Thuyền thúng thay áo mới, sẵn sàng đón khách quay trở lại - 1

Người dân tỉ mỉ sơn sửa lại những chiếc thuyền thúng của mình, sẵn sàng đón khách quay trở lại.

Sau thời gian dài bị ảnh hưởng đại dịch Covid-19, những ngày này, phố cổ Hội An dần "trở mình" thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước. Rừng dừa Bảy Mẫu - "miền Tây thu nhỏ giữa lòng Hội An" - cũng bắt đầu tất bật trang hoàng, trang trí thuyền thúng chuẩn bị đón khách.

Trên các tuyến đường dẫn vào rừng dừa, các đoàn xe nối đuôi nhau đậu bến, không khí rộn ràng, nhộn nhịp dần "hồi sinh" hậu Covid-19.

Ông Phan Sinh (60 tuổi) nhanh tay phết phẩy nước sơn mới cho thuyền thúng sau thời gian dài treo giàn ở nhà. Các chi tiết được ông kiểm tra tỉ mỉ, sợ nhất những lỗ thủng dù nhỏ cũng dễ thấm nước, phải dùng keo bịt kín.

Thuyền thúng thay áo mới, sẵn sàng đón khách quay trở lại - 2

Những chiếc thúng chai được người dân cất gọn do ảnh hưởng đại dịch, nay khi du lịch mở cửa, chúng trở lại với vai trò vốn có.

"Thuyền thúng cất lâu quá sợ hư nên phải cải tạo lại, quét sơn cho đẹp mắt để khách còn chụp ảnh. Hiện khách quốc tế còn ít, nhưng có khách là vui rồi. Khách trong nước đông lắm, sắp đến cũng có nhiều sự kiện, dịp lễ nên mình phải tranh thủ để còn kịp đón khách", ông Sinh hào hứng chia sẻ.

Những người trong làng cũng đang tỉa tót lại phương tiện làm ăn của mình. Những chiếc thúng được sơn số thứ tự, bọc lót để khỏi thấm nước, người có "máu" nghệ thuật chút thì trang trí thêm màu sắc, hình vẽ… cẩn thận như chăm sóc cho ngôi nhà của mình.

Thuyền thúng thay áo mới, sẵn sàng đón khách quay trở lại - 3

Công đoạn bọc thuyền chống thấm nước rất quan trọng, sau khi hoàn tất thì được sơn vẽ tùy sáng tạo của mỗi người.

Anh Lê Văn Tiến (36 tuổi) cho hay gần một tháng nay, anh bắt đầu nhận tu sửa thuyền thúng cho khách. Nhiều người dân do nghỉ dịch quá lâu nên chuyển sang mưu sinh bằng nghề khác, người thì gác thúng trong nhà, không có chỗ thì để nằm vệ đường dùng bạt phủ hoặc bán thúng.

Có gia đình tự cải tạo lại thúng, không biết thì thuê thợ làm. Nếu mua thúng mới hiện nay giá từ  5-6 triệu đồng nên hầu như mọi người đều chọn cải tạo, sơn sửa lại thúng cũ với chi phí khoảng 1-1,5 triệu đồng.

Thuyền thúng thay áo mới, sẵn sàng đón khách quay trở lại - 4

Hiện rừng dừa Bảy Mẫu có gần 1.200 thúng chai được đánh số, phục vụ du khách.

"Rừng dừa nhộn nhịp trở lại, ai cũng hào hứng, đi đâu họ cũng rỉ tai nhau khách sắp quay lại. Từ ngày có nhiều dự án bao bọc quanh rừng dừa, thủy hải sản cũng ít đi. Ở làng, người trẻ thì đi tứ xứ làm công nhân, nhân viên khách sạn…, người lớn tuổi ở đây chỉ biết dựa vào chèo thuyền thúng mưu sinh", anh Tiến nói.

Khi du lịch thuyền thúng bắt đầu thịnh hành và được nhiều người biết đến sau chương trình truyền hình thực tế có sự tham gia của hoa hậu Hàn Quốc, nhiều khách Đông Á cũng tìm đến đây. 

Các công ty tổ chức tour tuyến và làng du lịch cộng đồng hình thành bắt đầu "chiêu mộ" người chèo thuyền thúng địa phương. Từ 30 chiếc thuyền thúng "đời đầu", hiện nay đã lên gần 1.200 chiếc, người dân nơi đây cũng khấm khá lên nhờ du lịch.

Thuyền thúng thay áo mới, sẵn sàng đón khách quay trở lại - 5

Du khách đang dần quay lại, những chiếc thúng chai đủ màu sắc có mặt trên khắp không gian rừng dừa.

Những chiếc thuyền thúng thành phương tiện đưa khách tham quan, khám phá rừng dừa nước độc đáo. Không chỉ mang đến cảm giác bềnh bồng len lỏi dưới tán dừa mát rượi và tận hưởng thú vui thôn dã miền sông nước, du khách còn có nhiều trải nghiệm thú vị khi xem ngư dân biểu diễn "bay lắc" trên sông với thuyền thúng và những kỹ thuật tài tình.

Theo ông Nguyễn Hùng Linh - Chủ tịch xã Cẩm Thanh, TP Hội An, từ khi làng chài nhỏ làm du lịch cộng đồng, đời sống người dân cũng dần cải thiện. Dự tính trong tương lai gần, TP Hội An mong muốn tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, gắn với làng du lịch cộng đồng tại đây.