Quảng Nam sẵn sàng kế hoạch đón khách quốc tế trở lại

PV

(Dân trí) - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết đã lên 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại từ tháng 11 này.

Theo văn bản số 8044/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ, Quảng Nam là một trong số 5 địa phương đầu tiên trên cả nước được thí điểm đón khách quốc tế từ tháng 11. Du khách sẽ đến Việt Nam theo các chương trình du lịch trọn gói, thông qua các chuyến bay thuê chuyến và thương mại quốc tế. Và chỉ một số khu vực, cơ sở dịch vụ du lịch được lựa chọn tham gia chương trình thí điểm này.

Quảng Nam cũng đã lên phương án sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại. Theo đó tỉnh đã lựa chọn các khu, điểm du lịch và cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch tham gia đón khách quốc tế, gồm: phố cổ Hội An, khu đền tháp Mỹ Sơn, khu nghỉ dưỡng phức hợp Hoiana (casino, sân golf), khu nghỉ dưỡng TUI BLUE Nam Hội An, Vinpearl Resort & Golf Nam Hội An, VinWonders Nam Hội An (khu vui chơi), Vinpearl Golf Nam Hội An (sân golf) và một số đơn vị vận chuyển.

Quảng Nam sẵn sàng kế hoạch đón khách quốc tế trở lại - 1

Một góc phố cổ Hội An.

Chia sẻ tại chuỗi Tọa đàm bất động sản: "Du lịch biển hồi sinh - Bất động sản nghỉ dưỡng đón sóng" tập "Hội An - Chu kỳ tăng trưởng mới" do báo điện tử Dân Trí tổ chức hôm 3/11, ông Lê Ngọc Tường, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương đã sẵn sàng 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp để đón khách trở lại. 

Thứ nhất, tỉnh sẽ đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin trên địa bàn, phấn đấu đạt tỷ lệ 90% người dân Hội An và doanh nghiệp tiêm đủ vắc xin trong tháng 11. Bên cạnh đó, địa phương cũng ưu tiên thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch, du khách cũng như cộng đồng.

Thứ hai là tăng cường hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, giúp họ sớm mở cửa hoạt động du lịch trở lại trên địa bàn.

Thứ ba là ban hành bộ tiêu chí đánh giá độ an toàn của các cơ sở kinh doanh du lịch. Dựa vào bộ tiêu chí này, các doanh nghiệp sẽ xem xét, áp dụng và các cơ quan nhà nước cũng có thể giám sát, đánh giá khả năng đón khách của các tổ chức, cá nhân.

Thứ tư là xây dựng các gói kích cầu, chương trình thúc đẩy tour tuyến cũng như sản phẩm du lịch xanh, du lịch làng quê - làng nghề, các sản phẩm du lịch đáp ứng xu hướng du lịch mới

Cuối cùng là triển khai các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước để thu hút khách đến.

Các nhiệm vụ, giải pháp này đã được đưa vào kế hoạch đón khách trong thời gian tới và sẽ triển khai trong giai đoạn từ nay đến hết năm 2022.

"Trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, chúng tôi vẫn xác định là an toàn mới đón khách", ông Tường cho biết.

Trước đó, từ tháng 10/2021, du lịch Hội An đã hoạt động trở lại. Các điểm đến thuộc vùng "xanh", "vàng" và "cam" Covid-19 của tỉnh đã bắt đầu đón khách là người địa phương, sinh sống, làm việc tại Quảng Nam và du khách từ các tỉnh, thành phố gần kề. Qua tháng 12/2021, địa phương sẽ mở cửa cho du khách các tỉnh, thành phố trên cả nước theo mô hình "bong bóng du lịch" - khách đi tour khép kín qua công ty lữ hành gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn.

Quảng Nam sẵn sàng kế hoạch đón khách quốc tế trở lại - 2

Du khách tham quan Hội An dịp lễ 30/4-1/5/2021 (Ảnh: Công Bính - Ngô Linh)

Về định hướng phát triển du lịch thời gian tới, đại diện Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết vẫn ưu tiên thu hút du khách chi tiêu cao tại Hội An. Do đây là điểm đến đã có thương hiệu và sức chứa du lịch cũng có giới hạn. Trước khi dịch bệnh bùng phát, khách quốc tế vẫn luôn chiếm đến 60% lượng khách đến Hội An mỗi năm. Với 40% khách nội địa còn lại, ngành du lịch địa phương cũng ưu tiên xúc tiến dòng khách có trải nghiệm du lịch cao cấp.

Các điểm đến ngoài Hội An, Quảng Nam sẽ tập trung phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp - nông thôn... ở phân khúc trung cấp và ưu tiên phát triển du lịch cao cấp ở một số vị trí quan trọng. Theo ông Lê Ngọc Tường, đây là các loại hình du lịch có thế mạnh của địa phương, nhờ các lợi thế như sở hữu 125 km bờ biển với số km bờ biển còn hoang sơ rất lớn, kéo dài từ Nam Hội An đến Chu Lai; đất nông nghiệp chiếm đến 70% diện tích toàn tỉnh cũng như có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng. Các sản phẩm này cũng phù hợp với xu hướng du lịch mới sau dịch.