Thực hư quán cơm sạch ở Hạ Long vắng khách sau khi bị "bóc phốt"
(Dân trí) - Mới đây, trên nhiều nền tảng mạng xã hội chia sẻ hình ảnh quán cơm sạch ở Hạ Long vắng khách sau khi bị "bóc phốt" thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Quán vắng khách sau lùm xùm bị khách tố về thái độ bán hàng?
Liên quan tới quán cơm sạch bà Liên thuộc phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bị tố "chặt chém", "không nhận chuyển khoản", "chỉ bán tối thiểu 70-80.000 đồng/suất" tiếp tục thu hút sự chú ý của dư luận.
Vụ việc xảy ra từ ngày 9/9 vào thời điểm sau khi siêu bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh, nhưng tới nay vẫn nhiều hội nhóm trên mạng xã hội được lập ra với mục đích chia sẻ những trải nghiệm không tốt khi từng tới quán cơm dùng bữa.
Trên nền tảng của Google, nhiều người đã đánh giá 1 sao (chất lượng thấp nhất) cho quán cơm sau vụ việc vừa qua. Cùng với đó là không ít những bình luận tiêu cực, kêu gọi tẩy chay.
Mới đây, trên nhiều nền tảng mạng xã hội chia sẻ hình ảnh quán vắng tanh sau vụ việc bị "bóc phốt".
Nhiều người cho rằng, đây là hệ quả tất yếu của việc "đối đầu với khách" "không chịu nâng cao chất lượng dịch vụ. "Bài học đắt giá cho một quán cơm đông khách nhất nhì Hạ Long trước đây"; "Thật tiếc cho thương hiệu quán cơm nổi tiếng. Đã từng nhận rất nhiều góp ý từ khách hàng nhưng không thay đổi, nâng cao chất lượng dịch vụ", tài khoản có tên M.B viết.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Thị Lan, chủ quán cơm cho biết, không rõ bức ảnh chụp vào thời điểm nào và khẳng định cơ sở kinh doanh ăn uống này vẫn hoạt động bình thường, chưa đóng cửa. Lượng khách tới quán vẫn khá đông.
"Thời điểm này, khách tới quán chủ yếu là người dân địa phương vốn là khách quen vẫn tới ủng hộ chứ không có nhiều khách nước ngoài.
Tuy nhiên sau vụ việc, chúng tôi cũng ngồi lại với nhau, nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh sao cho phục vụ khách được tốt nhất. Sự việc vừa rồi cũng là bài học để quán tự điều chỉnh và tôi cũng mong sẽ khép lại những thông tin không đúng", chủ quán nói.
Không chỉ cần đồ ăn ngon, dịch vụ cũng phải tốt
Trao đổi với phóng viên Dân trí về cách hành xử của cơ sở kinh doanh với khách hàng, ông Hoàng Tùng - chuyên gia F&B, nhà sáng lập Pizza Home, cho rằng, ở thời kỳ đầu, ngành kinh doanh ăn uống tại Việt Nam thường chú trọng là chất lượng đồ ăn.
Tuy nhiên ở bối cảnh cạnh tranh khốc liệt như hiện tại, kinh doanh nhà hàng nói riêng và dịch vụ nói chung, chỉ có món ăn ngon là chưa đủ. Thái độ phục vụ và dịch vụ cũng cần song hành, là yếu tố rất quan trọng.
"Quán cơm này mới chỉ đảm bảo tiêu chí đồ ăn ngon mà thiếu đi những yếu tố còn lại. Đoàn khách tới đây và chấp nhận gọi ít đồ ăn hơn so với số lượng người có thể chỉ vì họ rơi vào tình huống nhỡ nhàng không ai muốn.
Giữa lúc bão lũ, cách ứng xử của nhà hàng cho thấy thiếu tế nhị. Chúng ta cần phải tử tế trước khi cần tử tế", ông Tùng nêu quan điểm.
Xuất thân từ người kinh doanh nên ông Tùng thấu hiểu việc duy trì một cơ sở kinh doanh dù nhỏ cũng không đơn giản. Tuy nhiên, vị chuyên gia này nhận định, cơ sở kinh doanh này nên có sự sửa sai chân thành và xuất phát từ tâm.
Không chỉ gửi lời xin lỗi tới khách hàng, chủ quán có thể mời nhóm khách quay lại trải nghiệm dịch vụ của mình đồng thời quyết tâm thay đổi dịch vụ.
"Quan trọng nhất chủ quán cần có tinh thần thực sự cầu thị. Đây cũng là bài học lớn cho những người kinh doanh nhà hàng, dịch vụ tự rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Nếu một cơ sở kinh doanh lớn hay nhỏ phải dừng cuộc chơi, thì rất đáng tiếc", ông Tùng nhận xét.
Ngày 9/9, đoàn khách 7 người tới ăn trưa tại quán cơm sạch bà Liên. Vị khách cho biết cả đoàn chỉ có 280.000 đồng tiền mặt nhưng chủ quán không đồng ý nhận chuyển khoản.
Vị khách chấp nhận mua mỗi suất ăn ít hơn, gồm 4 suất cho 7 người ăn chung nhưng chủ quán không đồng ý.
Hai bên xảy ra tranh cãi và chính quyền địa phương đã vào cuộc để xác minh.