Để bắt kịp Thái Lan, du lịch Việt Nam cần làm gì?

Minh Nhân

(Dân trí) - Đúc kết từ những thành công của nền công nghiệp du lịch Thái Lan, chuyên gia đề xuất những bước đột phá sáng tạo và quyết liệt để rút ngắn khoảng cách.

Du lịch Thái Lan "vượt" Việt Nam

Tại Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia lần thứ nhất sáng 7/10 tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc NovaGroup nêu 5 đặc điểm nổi bật giúp Thái Lan vượt Việt Nam về phát triển du lịch.

1. Thái Lan xây dựng chiến lược phát triển du lịch sâu rộng, chiến lược truyền thông nhất quán, hiệu quả trong nước và quốc tế.

Người Thái Lan rất kiên trì giáo dục và truyền thông sâu rộng nét văn hóa thân thiện với khách du lịch đến với từng người dân. Người người nhà nhà đều học tiếng Anh nói về du lịch và họ rất thành công.

Người ta thường ví von "Hãy kể cho tôi 3 điều tuyệt vời nhất về Thái Lan", và câu trả lời chính là "Con người, con người và con người". Đây là một ưu thế tuyệt đối và rất khó để sao chép.

Còn ở ngoài nước, các văn phòng đại diện trên nhiều quốc gia hoạt động trách nhiệm, sáng tạo và tích cực để phổ biến các thông điệp, chủ đề hàng năm, các điểm du lịch hấp dẫn của từng địa phương.

Để bắt kịp Thái Lan, du lịch Việt Nam cần làm gì? - 1

Bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Phó Tổng Giám đốc NovaGroup (Ảnh: Vinen).

2. Các chính sách mở thực thi tốt.

Kế hoạch phát triển Du lịch Quốc gia của Thái Lan giai đoạn 2012-2016 được xây dựng sau khi du lịch được bổ sung vào chương trình nghị sự phát triển quốc gia vào năm 2009.

Nhiều nỗ lực đã được đưa vào cải tạo các địa điểm du lịch, xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường nguồn nhân lực và xây dựng các quy tắc cũng như quy định phù hợp. Chính phủ Thái Lan quyết tâm cho sự phát triển du lịch quốc gia.  

3. Phát triển cơ sở hạ tầng kết nối nhanh cùng các tiện ích phục vụ khách du lịch đồng bộ.

4. Thiên đường mua sắm, nghỉ dưỡng và lễ hội.

5. Ẩm thực: Nổi tiếng là đất nước có ẩm thực đa dạng phong phú, không chỉ về ẩm thực bản địa, Thái Lan còn có hầu hết món ăn từ châu Á đến châu Âu, Mỹ, Úc và châu Phi.

Ẩm thực của Thái Lan được chú trọng và đạt được sự tinh tế phổ biến, lên đẳng cấp quốc tế. Thức ăn được du khách đánh giá là "ngon-bổ-rẻ". Mọi du khách, từ ăn chay đến ăn mặn, đều có thể tận hưởng các món ăn hấp dẫn tại đây. 

"Đúc kết từ những thành công của nền công nghiệp du lịch Thái Lan, nhìn lại Việt Nam cũng đang có những bước đi đạt được kết quả nhất định. Tuy nhiên để rút ngắn khoảng cách chúng ta cần có những bước đột phá sáng tạo, quyết liệt", bà Dương nói. 

Để bắt kịp Thái Lan, du lịch Việt Nam cần làm gì? - 2

Đô thị kinh tế - du lịch - giải trí NovaWorld Phan Thiết (Ảnh: NovaGroup).

Từ đó, Phó Tổng Giám đốc NovaGroup đề xuất chiến lược liên kết vùng du lịch. Đây được xem là bước đột phá, tạo nên sự đa dạng, thuận tiện về quy mô, hấp dẫn và quan trọng là chất lượng dịch vụ sẽ được nâng cấp đồng bộ.

Trong chiến lược này, mỗi tỉnh thành cần xác định một sản phẩm du lịch đặc thù (du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, MICE, wellness…) phù hợp với thế mạnh của địa phương.

Ví dụ: Tây Ninh có nhiều đền chùa, phù hợp để phát triển du lịch tâm linh; Khánh Hòa phù hợp phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển; Bình Thuận có nhiều tiềm năng phát triển du lịch MICE; Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển du lịch sức khỏe; Đà Lạt, Lâm Đồng phát triển du lịch khám phá mạo hiểm...

"Với những nguồn lực và kinh nghiệm hiện có, NovaGroup sẵn sàng phối hợp Cục Du lịch Quốc gia, các cơ quan ban ngành cùng tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước", bà Dương nói. 

Việt Nam nên dừng "du lịch giá rẻ"?

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia, nhận định du lịch chưa được đối xử thực sự như một ngành mũi nhọn, chưa được tích hợp có hiệu quả như một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp.

Theo ông Lộc, chừng nào ngành du lịch còn chủ yếu cạnh tranh về giá, có nghĩa phát triển "du lịch giá rẻ", thì chừng đó Việt Nam chưa thể tạo ra bước phát triển bứt phá trong ngành du lịch. 

"Du lịch chưa phát huy được các yếu tố về văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, tâm linh, chữa bệnh, chăm sóc sắc đẹp, công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp khác cộng sinh và bổ trợ cho công nghiệp du lịch", ông Lộc nói.

Vị chuyên gia đề xuất ngành du lịch thời gian tới tập trung khắc phục những "điểm nghẽn" này, nâng cao tinh thần khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực du lịch vốn có dư địa và tiềm năng lớn.

Để bắt kịp Thái Lan, du lịch Việt Nam cần làm gì? - 3

TS Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc Đại hội Công nghiệp Du lịch Quốc gia, sáng 7/10 (Ảnh: Vinen).

TS Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh phát triển du lịch cần liên kết hệ sinh thái và chuỗi giá trị du lịch. Hệ sinh thái phát triển du lịch cần có những doanh nghiệp "đầu đàn" gắn kết với các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, các hộ kinh doanh, trong các chuỗi cung ứng.

"Cần phải đưa được câu chuyện văn hóa, nhân văn, thổi hồn vào các tour và các điểm đến du lịch", ông Lộc nói, cho rằng trong phát triển du lịch, việc đối xử với ngành du lịch như một ngành kinh tế tổng hợp, kết hợp xúc tiến văn hóa, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch là hết sức quan trọng.

Theo ông, phát triển du lịch cần phải phát triển đồng bộ các ngành công nghiệp và dịch vụ hỗ trợ, tạo nên nội hàm mở của ngành du lịch.

Du lịch homestay gắn liền với những hộ kinh doanh nhỏ, trải nghiệm văn hóa bản địa gắn với cuộc sống gia đình, cộng đồng bản địa cũng là một xu hướng  cần được thúc đẩy.

Bên cạnh sự chuyên nghiệp, những xu hướng du lịch xanh, thân thiện với môi trường và kinh tế số cũng cần được ứng dụng tiên phong trong lĩnh vực du lịch. 

Ông Lộc đánh giá cao bước tiến đột phá trong việc sửa đổi luật xuất nhập cảnh để đơn giản hóa thủ tục, kéo dài thời hạn visa, miễn visa...

Tuy nhiên, ông khuyến cáo các cơ quan cần tiếp tục cập nhật các xu hướng diễn biến trên thế giới để có thể tiếp tục cải tiến, cởi mở hơn, đảm bảo năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong lĩnh vực chính sách, thể chế và thủ tục cho phát triển du lịch và giao lưu quốc tế. 

"Tôi đặc biệt hoan nghênh các địa phương đã nỗ lực phát triển hệ sinh thái và chuỗi giá trị phát triển du lịch. Nhưng chúng ta cần hơn những nỗ lực hợp tác liên vùng, liên ngành, liên cấp và đổi mới sáng tạo", ông Lộc nói.