Thúc đẩy du lịch văn hóa nhờ chuyển đổi số
(Dân trí) - Du lịch văn hóa ở Việt Nam đang nổi lên là một trong những yếu tố giúp thúc đẩy sự hồi phục của toàn ngành, vượt qua cả những hình thức du lịch phổ biến khác.
Những năm gần đây, du khách có xu hướng chọn những chuyến đi gắn liền với văn hóa lịch sử.
Sử dụng quá khứ để xây dựng tương lai bền vững, điều này phù hợp khi Việt Nam có các địa danh kiến trúc, lịch sử và văn hóa phong phú. Với 12 di sản Văn hóa Thế giới được UNESCO công nhận, đây là vốn tài sản vô giá để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa nhằm đưa ngành du lịch Việt Nam lên tầm thế giới.
Tuy nhiên, tiềm năng của du lịch văn hóa ở Việt Nam vẫn như "Người đẹp ngủ trong rừng", chưa được khai thác triệt để. Kỷ nguyên công nghiệp 4.0, nơi công nghệ thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực đã "đánh thức" ngành du lịch Việt Nam đạt được những bước tiến lớn bằng cách thực hiện chuyển đổi số tại các điểm đến. Đồng thời, triển khai các chương trình tiếp thị trực tuyến thành công để quảng bá các điểm du lịch văn hóa nổi tiếng của mình.
Những nỗ lực số hóa gần đây như nâng cấp tính năng thực tế ảo (VR), đẩy mạnh truyền thông cũng như tăng cường cung cấp sản phẩm và dịch vụ là công cụ thúc đẩy ngành du lịch.
Đây là yếu tố quan trọng trong việc phục hồi sau đại dịch và đảm bảo phát triển bền vững. Vì vậy, ngành du lịch Việt Nam cần phải cách mạng hóa du lịch văn hóa mạnh hơn nữa nhằm khai thác những lợi thế vượt trội.
Khi công nghệ "mở khóa"
Để thu hút du khách, các điểm tham quan đã có cách làm mới mình. Vừa qua, Hà Nội khánh thành tour tham quan tháp nước Hàng Đậu và nhà ga xe lửa Gia Lâm.
Cả hai đều là những địa danh kiến trúc và lịch sử mang tính biểu tượng, là di sản của thủ đô. Đặc biệt, khi đến đây du khách được nâng cao trải nghiệm số hóa khi đăng ký mua vé trực tuyến và nhận vé điện tử thông qua mã QR qua email.
Ngành Du lịch Việt Nam còn đang làm được nhiều hơn, bằng cách tích hợp công nghệ vào việc nâng cao trải nghiệm và quản lý điểm đến. Ví dụ, tỉnh Thanh Hóa đã kết hợp thực tế ảo với các video clip 360 độ và đồ họa 3D vào ứng dụng điện thoại thông minh để biến các địa điểm du lịch nổi tiếng như Lam Kinh và thành nhà Hồ trở nên sống động.
Cách tiếp cận sáng tạo này đã thu hút mạnh khách du lịch, góp phần trong chỉ tiêu 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã đón gần 12 triệu lượt khách, tăng 12,6% so với cùng kỳ 2022.
Theo báo cáo E-Conomy SEA năm 2023, du lịch trực tuyến tại Việt Nam đạt giá trị 5 tỷ USD, dự kiến sẽ đạt 7 tỷ USD vào năm 2025 và 10 tỷ USD vào năm 2030. Hầu hết mọi hoạt động của du khách như tìm kiếm thông tin, đặt phương tiện đi lại, chỗ ở hay chia sẻ kỷ niệm du lịch đều được thực hiện trực tuyến.
Sự thay đổi hành vi này yêu cầu các nền tảng du lịch cần cập nhật những thông tin và sở thích mới nhất của khách hàng, đồng thời thích ứng thay đổi bằng cách sử dụng công nghệ để đổi mới và đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.
Đẩy mạnh quan hệ đối tác
Mùa du lịch cuối năm - Tết Nguyên đán đang tới gần, đây là thời điểm thích hợp để quảng bá và phát triển du lịch văn hóa Việt Nam.
Dữ liệu của Traveloka cho thấy Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng là những điểm đến được tìm kiếm nhiều nhất trong mùa xuân sắp tới. Yếu tố quan trọng dẫn đến thành công là thiết lập một hệ sinh thái được kết nối, với sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên trong ngành và chính phủ.
Vừa qua, Traveloka và Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (VNAT) đã ký kết hợp tác nhằm tăng cường quan hệ đối tác công - tư, giải quyết các thách thức, thực hiện chuyển đổi số toàn diện và tích hợp trong ngành du lịch.
Ký kết này được xây dựng dựa trên sự hợp tác hiện có với các cơ quan như Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và Sở Du lịch Thành phố Hải Phòng, nhằm trao quyền cho các startup du lịch phát triển các sản phẩm thông minh cho du khách.
Các điểm đến địa phương sẽ được tăng độ hiển thị và nhận diện, phục vụ nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch giúp dễ dàng tiếp cận những trải nghiệm văn hóa độc đáo và phong phú. Dữ liệu nội bộ của Traveloka cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể trong số lượt tìm kiếm chuyến bay đến Ninh Bình và Hội An, với mức tăng tương ứng 60% và 40% vào nửa đầu năm 2023.
Việc tạo ra sự đa dạng và đầu tư cho các sản phẩm du lịch trực tuyến góp phần thu hút khách du lịch mạnh hơn, tạo cho kỳ nghỉ của du khách những trải nghiệm thú vị, đồng thời mang lại lợi ích kinh tế cho cả địa phương và cộng đồng. Thành công này sẽ thúc đẩy du lịch văn hóa, từ đó sẽ làm nền tảng cho sự tăng trưởng của du lịch địa phương.
Chính phủ Việt Nam có nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của du lịch văn hóa, thông qua việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án xây dựng thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa. Mục đích nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo cơ hội việc làm. Đến năm 2030, du lịch văn hóa dự kiến sẽ đóng góp 20-25% trong tổng số khoảng 130 tỷ USD tổng thu từ khách du lịch.
Tạo sức hút cho điểm đến
Tiềm năng to lớn của du lịch văn hóa là không thể phủ nhận, nhưng để thực sự phát triển mạnh mẽ, mỗi vùng, miền, địa phương cần phải tập trung phát triển một bản sắc riêng, thể hiện những nét độc đáo và giá trị nội tại của mình.
Một ví dụ điển hình đó là Tân Hóa - một xã nhỏ thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Ngôi làng đã trở thành một điểm đến được nhiều người săn đón khi xây dựng mô hình du lịch tập trung vào những cánh đồng lúa tuyệt đẹp và lối sống nông thôn bình dị, hòa mình vào cộng đồng bản địa. Điều này cùng với cam kết mạnh mẽ về đổi mới và bền vững đã khiến Tân Hóa được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) công nhận là một trong những làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2023.
Song song với quá trình số hóa kết nối các vùng miền khác nhau, việc nâng cao các khía cạnh văn hóa bản địa sẽ trao quyền cho cộng đồng địa phương và thúc đẩy tiến bộ chung cho toàn ngành.
Vì vậy, ngành du lịch Việt Nam phải tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số để tạo dựng thương hiệu riêng trong và ngoài khu vực.
Ngoài ra, các tổ chức công và tư ở địa phương cũng cần phải đảm bảo sự hài hòa giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bằng cách thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đặc biệt khuyến khích các hình thức du lịch có trách nhiệm gắn liền với văn hóa.
Bất chấp những thách thức của đại dịch Covid-19, du lịch Việt Nam đã và đang phục hồi mạnh mẽ. Nhưng để tận dụng tối đa tiềm năng văn hóa độc đáo phải chuyển đổi số toàn diện, điều này rất quan trọng để xây dựng một hệ sinh thái kết nối, từ đó thúc đẩy nhanh hơn nữa hành trình phát triển du lịch văn hóa đầy cảm hứng một cách bền vững.
*Bài viết của ông Caesar Indra, Chủ tịch Traveloka, về việc phát triển Du lịch Văn hóa ở Việt Nam.