Bàn giải pháp phát triển du lịch xanh, bền vững
Chiều 17/11, Diễn đàn Phát triển du lịch xanh Việt Nam 2023 chủ đề "Tăng trưởng xanh bền vững" đã diễn ra tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Đây là hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2023 do Báo Văn Hóa phối hợp với Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm và Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức.
Dự và chủ trì Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Lê Phúc.
Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu; Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đức Tài; Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Quang Huân; lãnh đạo các Sở VHTTDL, Sở Du lịch; lãnh đạo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội, Chi hội Du lịch các tỉnh, thành; các chuyên gia; doanh nghiệp lữ hành...
Theo BTC, diễn đàn nhằm lắng nghe ý kiến, đồng hành với các địa phương và doanh nghiệp trong phát triển du lịch xanh, bền vững. Diễn đàn cũng nhằm đánh giá thực trạng, đưa ra các giải pháp phát triển du lịch bền vững, chia sẻ kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình du lịch xanh điển hình; tiếp nhận ý kiến chuyên gia, đề xuất ý tưởng và hiến kế, tạo bước đột phá phát triển du lịch xanh tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh, Diễn đàn là hoạt động có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh toàn ngành du lịch chung tay triển khai hiệu quả các giải pháp để đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển ngành du lịch như tinh thần của Hội nghị phát triển du lịch do Thủ tướng Chính phủ chủ trì ngày 15/11/2023 vừa qua.
"Du lịch xanh là một cách tiếp cận mới, có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch, với sự chung tay của cộng đồng, doanh nghiệp và chính quyền trong việc giữ gìn cảnh quan, thiên nhiên, môi trường sống, khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa mỗi địa phương. Đặc biệt, diễn đàn được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với hệ thống tài nguyên và sản phẩm du lịch hết sức phong phú, đa dạng, là một trong những trọng điểm phát triển du lịch của Đông Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung", Thứ trưởng cho biết.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, tại Việt Nam hiện nay, các chính sách, chiến lược, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch của Chính phủ trong những năm gần đây đều ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển du lịch xanh, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc và mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để các chính sách, các định hướng phát triển du lịch được triển khai và phát huy hiệu quả trong thực tế, cần có sự quyết tâm, đồng lòng của toàn thể các nhà quản lý, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Phát biểu chào mừng tại Diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Ngọc Khánh cho rằng, Diễn đàn là nội dung rất quan trọng hướng tới mục tiêu phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
"Phát triển du lịch xanh, tăng trưởng xanh, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững đang là một xu thế, là cơ hội và cũng là thách thức đối với mỗi địa phương nói riêng và với các quốc gia nói chung.
Tại Diễn đàn, chúng tôi mong muốn tiếp nhận các sáng kiến, các giải pháp, hiến kế của chuyên gia, doanh nghiệp, nhà đầu tư chia sẻ những kinh nghiệm và cách làm hay, hiệu quả thiết thực để áp dụng, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian tới, gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Diễn đàn cũng là nhịp cầu kết nối, tăng cường sự hợp tác giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các địa phương và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch", ông Lê Ngọc Khánh bày tỏ.
Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, phát triển du lịch xanh đã được định hướng trong các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước… Tất cả đánh dấu bước tiến tích cực trong việc hình thành xu hướng du lịch xanh tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe con người, đồng thời giúp ngành du lịch phát triển theo hướng bền vững, tạo ra những trải nghiệm tốt hơn, sâu sắc hơn cho cả du khách và điểm đến.
Ở góc độ chuyên gia, TS Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch (ITDR), bày tỏ, biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, tác động tiêu cực đối với đời sống, kinh tế - xã hội nói chung và các ngành, lĩnh vực cụ thể, trong đó có du lịch. Trong bối cảnh đó, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh được xác định là phương thức, con đường phát triển để hướng tới phát triển du lịch bền vững. TS Tuấn cho rằng, tăng trưởng xanh trong phát triển du lịch giúp khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên du lịch, tôn trọng tự nhiên, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa.
Đề xuất các giải pháp để phát triển du lịch xanh bền vững tại Việt Nam, ông Vũ Quốc Trí, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, cần nâng cao nhận thức thay nhằm thay đổi hành vi vì mục tiêu phát triển du lịch xanh ở Việt Nam, cụ thể là nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và văn hóa (đặc biệt hướng đến khách du lịch nội địa); giám sát các tác động của du lịch đến môi trường tự nhiên và văn hóa và tìm kiếm các giải pháp để không ngừng cải thiện… Bên cạnh đó, cần cải thiện năng lực quản lý hiệu quả lượng khách du lịch tại các điểm đến du lịch; giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường trong kinh doanh du lịch và đặc biệt là tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan, thúc đẩy sự tham gia của người dân, xã hội và các doanh nghiệp du lịch vào công tác bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa…
Trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng đe dọa trực tiếp đến sinh kế của người dân, định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh đang được nhiều quốc gia áp dụng. Trong đó, việc phát triển du lịch cộng đồng theo xu hướng này cũng không phải là ngoại lệ. Phát triển du lịch cộng đồng theo xu hướng tăng trưởng xanh sẽ giúp cho người dân đảm bảo cuộc sống gắn với sinh kế vốn có trên chính vùng đất của họ, nền kinh tế sẽ phát triển có tính ổn định và bền vững.
Theo các đại biểu, cộng đồng địa phương đóng vai trò quan trọng là nhà cung cấp và đối tượng hướng tới của du lịch xanh. Bản thân cộng đồng địa phương là những người bảo vệ chính nguồn tài nguyên du lịch, như phong tục văn hóa, lề lối sinh hoạt và tài nguyên thiên nhiên gần khu vực họ sinh sống. Tới thăm làng bản truyền thống và giao lưu với người dân địa phương là những hoạt động chính của khách du lịch muốn trải nghiệm trong chuyến đi. Do đó, mỗi người dân trong cộng đồng cần trở thành một "Đại sứ du lịch", có trách nhiệm thể hiện những nét tốt đẹp nhất của cộng đồng địa phương để khách du lịch cảm nhận thấy.
Ở góc độ địa phương, ông Đỗ Phước Trung, Phó Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được phát triển trên cơ sở các giá trị văn hóa của cộng đồng, do cộng đồng dân cư quản lý, tổ chức khai thác và hưởng lợi. Với mục tiêu hướng đến sự phát triển bền vững, du lịch cộng đồng được xem là một trong những công cụ hữu hiệu góp phần cải thiện sinh kế cho người dân địa phương, đồng thời giúp bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa cũng như nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên gắn với cộng đồng điểm đến. Vì thế, du lịch cộng đồng là loại hình du lịch được quan tâm đầu tư phát triển tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Phước Trung, việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với tăng trưởng xanh thời gian qua vẫn còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế.
Hiện nay, việc sử dụng đất nông, lâm nghiệp để thực hiện mô hình du lịch cộng đồng có các hình thức: Các hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp được giao để chuyển một phần sang đất xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp làm mô hình du lịch. Trong thực tế, khi triển khai mô hình này cho thấy khả năng có thể dẫn đến các hình thức sai phạm chủ yếu về đất đai hiện nay như sử dụng đất không phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; xây dựng nhà, cơ sở lưu trú, công trình trái phép trên đất nông, lâm nghiệp; thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng khi chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, chưa hoàn thành thủ tục về đất đai...
Sau phiên toàn thể, Diễn đàn tiếp tục có hai phiên chủ đề với sự tham gia của các chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp. Trong đó, phiên 1 thảo luận về tiềm năng và cơ hội đột phá phát triển du lịch xanh tại Việt Nam. Trong phiên trao đổi 2, trọng tâm chính là thảo luận và kiến nghị về: Xu hướng khai thác du lịch xanh trên thế giới và khả năng ứng dụng của Việt Nam; quản trị du lịch thông minh hướng tới mục tiêu xanh và bền vững: chuyển đổi số ngành du lịch; phát triển sản phẩm du lịch xanh; sự cần thiết ban hành "Bộ tiêu chí du lịch xanh"; kiến nghị các vấn đề liên quan đến rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, quy định khuyến khích và tạo đột phá phát triển du lịch cả nội địa và quốc tế; giới thiệu một số mô hình và sản phẩm, dịch vụ liên kết du lịch thông minh; các vấn đề bất cập khác và giải pháp…
Kết luận Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Văn Hóa Nguyễn Anh Vũ cho biết, qua các bài phát biểu, tham luận và trao đổi trực tiếp tại Diễn đàn có thể thấy, Diễn đàn quy tụ rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp lớn trong ngành Du lịch với những phân tích sâu sắc, vừa có tính lý luận, vừa có kinh nghiệm thực tiễn; có tính bao quát và hàm lượng chất xám cao.
"Có thể khẳng định, Du lịch xanh, tăng trưởng xanh và bền vững là xu thế tất yếu của du lịch quốc tế, khu vực, quốc gia và tất cả các điểm đến du lịch. Đây cũng là nguyên tắc chung cho phát triển du lịch từ các hoạch định, chiến lược, quy hoạch đến triển khai thực tiễn. Đồng thời, là bước cụ thể hóa cho phát triển du lịch bền vững trong ngành Du lịch; khai thác tài nguyên sáng tạo gắn với bảo tồn, tôn tạo tài nguyên…", Tổng Biên tập Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh.
Theo Tổng Biên tập Báo Văn Hóa, các đại biểu đã làm rõ tiềm năng, thực trạng và định hướng phát triển của du lịch xanh ở Việt Nam. Nhiều ý kiến của đại biểu nhấn mạnh việc cần được cụ thể hóa về mặt pháp lý; tạo cơ sở cho việc định hướng chi tiết và xây dựng hệ thống chính sách, ưu đãi hỗ trợ thực hiện du lịch xanh một cách bài bản, hiệu quả.
"BTC xin ghi nhận những ý kiến đóng góp quý báu, sâu sắc và đầy trách nhiệm của các vị lãnh đạo, diễn giả, đại biểu. Chúng tôi sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ VHTTDL về kết quả của Diễn đàn hôm nay", ông Nguyễn Anh Vũ bày tỏ và cho biết, ở góc độ của các cơ quan truyền thông, đặc biệt là Báo Văn Hóa, cơ quan ngôn luận của Bộ VHTTDL, Bộ quản lý nhà nước về du lịch, Báo cam kết sẽ đồng hành cùng ngành Du lịch trong phát triển du lịch xanh với mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững. "Cùng với Tạp chí Thương hiệu và sản phẩm, các cơ quan báo chí khác trên cả nước, chúng tôi sẽ phát huy hơn nữa vai trò của truyền thông du lịch, góp phần nói lên tiếng nói của ngành và góp phần quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam xanh, sạch, đẹp, an toàn, thân thiện", ông Nguyễn Anh Vũ cho biết.
Theo Thùy Trang - Hoàng Hải
Báo Văn hóa