Thế bí của đảo rồng duy nhất thế giới: Cần kiếm tiền nhưng vẫn muốn bảo tồn

Huy Hoàng

(Dân trí) - Sự nổi tiếng của đảo rồng duy nhất thế giới ở Indonesia mang lại nguồn kinh tế lớn nhờ du lịch nhưng cũng khiến giới chức địa phương đau đầu tìm phương án bảo tồn hợp lý.

Sự thay đổi ở "mảnh đất của rồng"

Khám phá "vùng đất của rồng"

Từ trên cao nhìn xuống, cảnh tượng ở khu vực Puncak Waringin "đầy mâu thuẫn". Hàng chục du thuyền, thuyền buồm bằng gỗ truyền thống và những chiếc xuồng nhỏ hơn, neo đậu trên vịnh của thị trấn Labuan Bajo. Gần đó, đường chân trời được tạo nên bằng những khu nghỉ dưỡng 5 sao mọc san sát, bắt đầu che khuất biển.

Thế bí của đảo rồng duy nhất thế giới: Cần kiếm tiền nhưng vẫn muốn bảo tồn - 1
Khách du lịch chứng kiến cảnh cặp rồng Komodo đánh nhau (Ảnh cắt từ clip).

Labuan Bajo là thị trấn cảng ở cực tây trên đảo Flores, thuộc tỉnh Đông Nusa Tenggara của Indonesia. Nhìn vẻ bề ngoài, người ta liên tưởng nơi này có thể đón khách du lịch bất cứ lúc nào. Tuy nhiên nơi này đang là tâm điểm của cuộc chiến giằng co giữa khôi phục kinh tế sau đại dịch và bảo tồn thiên nhiên.

Theo thống kê của tờ Guardian (Anh), năm 2019, tỉnh Đông Nusa Tenggara thu hút gần 222.000 du khách. Là cửa ngõ vào vườn quốc gia Komodo rộng 1.733 km2, đây vừa được coi là sự may mắn, cũng là một lời nguyền với thị trấn Labuan Bajo.

Thế bí của đảo rồng duy nhất thế giới: Cần kiếm tiền nhưng vẫn muốn bảo tồn - 2
Khách du lịch chờ tàu để ra các đảo nhỏ ngoài khơi của Komodo và Labuan Bajo (Ảnh: Chan Kit Yeng).

Được thành lập vào năm 1980 để bảo vệ loài rồng khổng lồ bản địa chỉ được tìm thấy trên các đảo Komodo, Padar và Rinca, năm 1991, vườn quốc gia Komodo được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Kể từ đó, thị trấn Labuan Bajo chính thức "bước lên" bản đồ du lịch thế giới. Chỉ trong năm 2018, nơi này đón hơn 200.000 lượt khách tới chiêm ngưỡng tận mắt những con rồng khổng lồ.

Nhưng du lịch đại trà đã mang tới hàng loạt thay đổi trong khu vực.

Những khoản đầu tư bắt đầu đổ dồn tới thị trấn vốn bình yên này, nơi đa số là người Hồi giáo. Khu nghỉ dưỡng, các cơ sở du lịch mọc lên san sát trên mảnh đất ngày một đắt đỏ. Người dân phải quen dần với sự hiện diện của những nhà hàng, cửa tiệm bán đồ lặn, quán rượu kiểu Âu xuất hiện ở Soekarno Hatta - con đường ven biển chính của thị trấn. Sự phát triển dọc theo đường bờ biển tới tận bán đảo Waecicu về phía tây bắc của thị trấn. Giá bất động sản cũng nóng lên mỗi ngày.

Thế bí của đảo rồng duy nhất thế giới: Cần kiếm tiền nhưng vẫn muốn bảo tồn - 3
Đoàn khách đứng quan sát một cá thể rồng Komodo (Ảnh: Chan Kit Yeng).

Trong cuộc họp diễn ra vào tháng 7/2021, đại diện UNESCO bày tỏ quan ngại về các dự án trong vùng làm giảm diện tích khu vực hoang dã của vườn quốc gia xuống một phần ba so với diện tích trước đó. Họ cũng đặt nghi vấn về việc cấp phép cho những dự án du lịch khi thiếu đánh giá tác động tới môi trường.

Giải pháp khó cân bằng

Thị trấn Labuan Bajo là một trong những điểm đến được Tổng thống Indonesia Joko Widodo kêu gọi trong nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế vùng sâu vùng xa bằng du lịch.

Tuy nhiên, những biện pháp du lịch có thể ngăn chặn sự hồi sinh của thị trấn Labuan Bajo sau đại dịch.

Tháng 7/2022, chính phủ Indonesia công bố mức phí vào cửa vườn quốc gia cao gấp 25 lần, từ 10 USD lên tới 250 USD. Tuy nhiên quyết định này đã vấp phải sự phản đối của những người làm du lịch tại địa phương. Trong khi đó có ý kiến đề xuất nên đóng cửa vườn quốc gia một năm để khôi phục các quần thể rồng Komodo đang sinh sống.

Thế bí của đảo rồng duy nhất thế giới: Cần kiếm tiền nhưng vẫn muốn bảo tồn - 4
Quang cảnh bên trong vườn quốc gia Komodo (Ảnh: Travel).

Thậm chí có ý kiến đề nghị tăng vé tham quan lên 500USD và 1.000USD để kiểm soát số lượng du khách. Nhưng cuối cùng các đề xuất đều không được thông qua vì cho rằng giá vé quá cao.

Để tìm kiếm sự cân bằng giữa nguồn thu kinh tế với việc bảo tồn, hầu hết các nhà điều hành du lịch địa phương đều cho rằng, phía vào cửa cần phục vụ cho những nhóm du khách khác nhau, cần sự kiểm soát dài hạn trước tác động của khách tới đảo.

Cuộc chiến sống còn của cặp rồng Komodo trước mặt du khách

"Phí vào cửa là một chuyện, nó mang lại lợi ích gì cho vườn quốc gia? Nếu có quỹ dùng để đầu tư cơ sở hạ tầng của khu bảo tồn là tốt nhất", một chủ du thuyền tại thị trấn Labuan Bajo đưa ra ý kiến.

Khi được hỏi về việc tăng giá vào cửa vườn quốc gia sẽ mang lại lợi ích cho khu vực hay không, một hướng dẫn viên địa phương lắc đầu. "Nếu chuyện này lại xảy ra vào năm sau, chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối", người này cho biết.