Thấy tờ tiền 2000 đồng Việt Nam trong ví nạn nhân máy bay rơi ở Trung Quốc
(Dân trí) - Hình ảnh về tờ tiền của Việt Nam trong ví của một nạn nhân tại hiện trường vụ rơi máy bay thảm khốc ở Trung Quốc hiện gây sự chú ý trên mạng xã hội.
Chuyến bay mang số hiệu MU5735 của hãng hàng không China Eastern Airlines khởi hành từ sân bay quốc tế Trường Thủy Côn Minh, thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam và dự kiến hạ cánh tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, đã gặp nạn vào chiều ngày 21/3.
Tuy nhiên, chuyến bay không bao giờ tới đích vì đã lao thẳng xuống núi ở huyện Đằng, thành phố Ngô Châu thuộc khu tự trị dân tộc Choang thuộc tỉnh Quảng Tây.
Vào thời điểm đó, máy bay đang chở 132 người gồm 123 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn. Ngay lập tức, đội cứu hộ đã có mặt tại hiện trường, chạy đua với thời gian để tìm kiếm những người sống sót.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin, các khu lều trại được dựng nhằm đảm bảo công tác cứu hộ diễn ra xuyên đêm. Tuy nhiên tới hiện tại, chưa có tín hiệu nạn nhân còn sống trong vụ việc nghiêm trọng này.
Theo Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), tại khu vực trọng tâm diễn ra công tác tìm kiếm cứu nạn, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy ví tiền, căn cước công dân, thẻ ngân hàng, giấy tờ tùy thân và một số đồ dùng cá nhân của các nạn nhân mất tích. Đoạn video được truyền thông nước này đăng tải cho thấy nhiều món đồ vật nằm rải rác trong tình trạng bị cháy xém.
Trong đó, đáng chú ý là hình ảnh một chiếc ví màu đen bị cháy. Bên trong ví có xấp tiền mặt và tờ tiền mệnh giá 2000 đồng của Việt Nam. Hình ảnh đang được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội, nhưng chưa rõ chủ nhân của chiếc ví này là ai. Hiện con số thương vong chưa được công bố chính thức.
Hộp đen của máy bay vẫn chưa được tìm thấy do khu vực máy bay rơi là vùng đồi núi, gây nhiều khó khăn cho công tác cứu hộ, cứu nạn.
Giới chức Trung Quốc đã điều động lực lượng lớn xung quanh khu vực xảy ra tai nạn, ngoài nhóm cứu hộ còn có chuyên gia chấn thương, nhà tâm lý học, điều phối viên khẩn cấp cho tới các hãng truyền thông.
Vụ tai nạn hôm 21/3 được đánh giá là thảm họa hàng không tồi tệ nhất ở Trung Quốc trong vòng một thập niên trở lại đây. Sau khi chứng kiến những sự cố xảy ra trong giai đoạn 1980-1990, nước này đã cải thiện và giám sát an toàn hàng không bằng nhiều biện pháp chặt chẽ.