Tìm giải pháp phục hồi du lịch nhanh và bền vững
(Dân trí) - Dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực, nặng nề đối với ngành du lịch. Dự báo phải đến năm 2023, ngành du lịch mới có thể phục hồi đạt như thời điểm trước khi có dịch Covid-19.
Sáng 25/12, tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An) diễn ra Hội thảo Du lịch năm 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển". Hội thảo do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) và tỉnh Nghệ An tổ chức.
Dự hội thảo có ông Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ban, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố cùng 300 đại biểu là các chuyên gia, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các tổ chức về du lịch trong nước và quốc tế.
Hội thảo được tổ chức với hình thức trực tiếp và trực tuyến, từ điểm cầu trung tâm tại Nghệ An, chương trình được kết nối tới 19 điểm cầu tại các địa phương là các trung tâm du lịch lớn của cả nước. Sáng 25/12 diễn ra phiên hội thảo chuyên đề, buổi chiều sẽ diễn ra phiên toàn thể.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, một trong các ngành bị ảnh hưởng trực tiếp, trước tiên và lớn nhất của đại dịch Covid-19 là ngành du lịch. Ngành du lịch phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.
Trong 2 năm qua, các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam bị sụt giảm nghiêm trọng, hoạt động du lịch gần như bị đóng băng. Hầu hết doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phải đóng cửa tạm thời hoặc dừng hoạt động, nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, địa điểm du lịch phải thu hẹp quy mô, giảm thiểu chi phí dẫn tới hàng triệu người trong ngành dịch vụ du lịch bị mất việc làm.
Với những nỗ lực trong khống chế, kiểm soát dịch ngành du lịch cũng như nền kinh tế của cả nước đang từng bước vượt qua khó khăn. Tuy nhiên vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Hội thảo sẽ cung cấp bức tranh tổng thể, bao quát hơn về thực trạng của du lịch thế giới và Việt Nam dưới tác động của đại dịch Covid-19; cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về quan điểm, định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch trong thời gian tới.
Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, quyết định những chính sách đột phá để phục hồi và phát triển du lịch, gắn với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sẽ được các cấp có thẩm quyền cho ý kiến trong thời gian tới.
Đồng thời, thông qua Hội thảo, Ban tổ chức mong muốn các kinh nghiệm quý báu của các quốc gia trên thế giới, các địa phương, doanh nghiệp sẽ được chia sẻ và lan tỏa, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam diễn ra nhanh, bền vững hơn.
Ông Đoàn Văn Việt - Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL đánh giá dịch Covid-19 tác động tiêu cực và nặng nề đối với ngành du lịch. Đây là biến cố chưa từng có đối với du lịch toàn cầu cũng như du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, với nhiều chính sách đã được ban hành, ngành du lịch đã bắt đầu có những phục hồi tích cực.
Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL dự báo về những xu hướng du lịch trong thời gian tới. Cụ thể, du lịch đến nơi an toàn; ứng dụng công nghệ đảm bảo an toàn; xu hướng du lịch nhóm nhỏ; xu hướng du lịch ngắn ngày và đặt dịch vụ cận ngày; xu hướng du lịch gần gũi thiên nhiên.
Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, lộ trình phục hồi và phát triển du lịch thực hiện qua 2 giai đoạn. Giai đoạn một từ cuối năm 2011 đến giữa năm 2022. Ở giai đoạn này mục tiêu đảm bảo an toàn điểm đến, thí điểm đón khách quốc tế trở lại, phục hồi du lịch nội địa, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp. Giai đoạn 2 phục hồi và phát triển đạt mức trước đại dịch, dự kiến từ giữa năm 2022, có thể kéo dài một đến 2 năm.
Trong khi đó, sau khi phân tích những tác động của dịch Covid-19 cũng như tiềm năng, thế mạnh, động lực phát triển, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, phải đến năm 2023, khi tỉ lệ bao phủ vaccine đảm bảo, ngành du lịch mới có thể phục hồi như kỳ vọng.
Hội thảo đã được nghe tham luận, ý kiến đóng góp từ các địa phương, các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước. Các tham luận cơ bản thống nhất quan điểm cần phải có những cơ chế, chính sách riêng nhằm tạo thuận lợi cho ngành du lịch, các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức để phục hồi và phát triển. Đồng thời, phải đặc biệt quan tâm đến việc hỗ trợ, đào tạo, đảm bảo nhân lực cho ngành du lịch vốn đã bị hao hụt nghiêm trọng trong dịch, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao.
Các đại biểu, diễn giả đều cho rằng, việc đảm bảo an toàn cho du khách là điều kiện tiên quyết. Đặc biệt, phải mở cho doanh nghiệp hoạt động, bằng việc mở cửa đường không, mở các cửa khẩu và mở ngoại giao để thu hút và tạo điều kiện tối đa cho du khách quốc tế. Hỗ trợ bằng cách mang thị trường về cho doanh nghiệp, mang khách đến các điểm du lịch.
Cần phải cơ cấu, điểm đến sản phẩm du lịch phải sạch, gắn với thiên nhiên; sản phẩm du lịch phải đa dạng, trải nghiệm sâu, không bị đe dọa bởi tập trung đông người; khai thác mạnh yếu tố văn hóa để kích thích du lịch.