Thảm họa gì sẽ xảy ra nếu "nóc nhà thế giới" bị tan chảy?

Huy Hoàng

(Dân trí) - Theo tính toán của các chuyên gia, mạng lưới sông băng trên đỉnh Everest có thể sẽ biến mất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đe dọa trực tiếp tới động vật hoang dã và cộng đồng địa phương.

Từ lâu, Everest được mệnh danh là "nóc nhà thế giới", vốn là ngọn núi bí ẩn thu hút hàng chục nghìn nhà leo núi mê mạo hiểm tới khám phá. Và đây cũng là một trong những đỉnh núi mang tính biểu tượng nhất trên trái đất.

Thảm họa gì sẽ xảy ra nếu nóc nhà thế giới bị tan chảy? - 1
Đỉnh Everest là một trong những biểu tượng và là sự khát khao chinh phục của nhiều nhà leo núi (Ảnh: Britannica).

Tuy nhiên, theo kết quả nghiên cứu về các sông băng tại đây, nhiều chuyên gia chỉ ra một thực tế đáng báo động có thể gây ra sự thay đổi lớn cho cả động vật hoang dã và cộng đồng địa phương - những người vốn coi nơi này là nhà suốt nhiều thế hệ.  

Trên thực tế, ngọn núi không phải là nơi lý tưởng để sinh sống vì có điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt. Nhưng bất chấp điều đó, các cộng đồng miền núi địa phương không chỉ sống sót mà còn phát triển mạnh ở vùng núi cao này. Họ đã duy trì và gìn giữ điều đó suốt hàng trăm năm qua. Theo tính toán của các chuyên gia, tình trạng biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ hơn sẽ khiến cộng đồng này có nguy cơ biến mất.

Hiểm họa gì sẽ xảy ra nếu "nóc nhà thế giới" bị tan chảy?

Tenzing đến từ nhóm dân tộc Sherpa là người cung cấp thông tin có giá trị về những thay đổi xảy ra trong cảnh quan đóng băng mang tính biểu tượng này.

Trước đó, Tenzing từng tham gia 2 chuyến thám hiểm tới sông băng Khumbu. Khi nhóm thám hiểm khoan sâu 150m vào lớp băng, họ phát hiện thấy điều đáng báo động. Đó là, nhiệt độ bên trong lớp băng ấm hơn 2 độ C so với nhiệt độ không khí trung bình hàng năm. Khi nhiệt độ quá 0 độ C, băng sẽ bắt đầu tan chảy.

Thảm họa gì sẽ xảy ra nếu nóc nhà thế giới bị tan chảy? - 2
Biến đổi khí hậu gây ra thảm họa dồn dập (Ảnh cắt từ clip).

Mạng lưới hơn 50.000 sông băng được hình thành tại đây nhờ băng và tuyết suốt hàng nghìn năm. Sự tan chảy tự nhiên của sông băng là nguồn cung cấp nước ngọt quan trọng cho cả động vật hoang dã và cộng đồng người địa phương. Nhưng khi biến đổi khí hậu làm tăng tốc độ tan chảy của băng khiến cộng đồng tại đây phải sống trong mối đe dọa gia tăng và hứng chịu thảm họa thiên nhiên thảm khốc.

Những thảm họa có thể kể tới như lũ lụt dưới hạ lưu, lũ hồ băng. Ví dụ trận lũ hồ băng xảy ra ở Nepal (Ấn Độ) gần đây để lại những thiệt hại nặng nề. Và tần suất của những thảm họa này có thể tiếp tục tăng thêm.

Hiện người dân sống ở Everest rất lo lắng cho tương lai của mình. Những vụ lũ lụt đã tàn phá cộng đồng. Đó là thực tế đáng sợ đối với con người sống ở Hindu Kush Himalaya.