Thái Lan đứng trước nguy cơ bị khách "quay lưng" vì chuyện "không ai ngờ"
(Dân trí) - Chất lượng không khí xuống thấp tại nhiều điểm du lịch ở Thái Lan, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe có thể khiến du khách "quay lưng" du lịch quốc gia này.
Mức độ ô nhiễm cao tại Chiang Mai, thành phố phía bắc của Thái Lan cũng như các tỉnh thành lân cận đang khiến khách du lịch lo ngại. Giữa bối cảnh này, hồi đầu tháng 4 vừa qua, chính quyền địa phương thậm chí kêu gọi người dân tránh các hoạt động ngoài trời.
Theo báo cáo từ IQAir, nền tảng thông tin chất lượng không khí của Thụy Sỹ, Chiang Mai nằm trong top 3 thành phố ô nhiễm nhất thế giới chỉ sau Bắc Kinh và Hàng Châu của Trung Quốc.
Chất lượng không khí giảm sút, du khách "né" Chiang Mai
Mỗi ngày, những lớp khói dày bao trùm khắp nơi khiến người dân và du khách cảm thấy "ngộp thở". Điều này đang ngăn cản quá trình phục hồi sau đại dịch của Chiang Mai, thành phố đông du khách thứ 2 tại Thái Lan chỉ sau Bangkok. Điều này khiến chính quyền địa phương và người dân lo lắng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế.
Chiang Mai được biết đến với phong cảnh núi non hùng vĩ, sở hữu hàng loạt ngôi đền lịch sử. Địa danh này đón 10,8 triệu khách du lịch vào năm 2019.
Nhưng hiện tại, theo số liệu của Chủ tịch Hiệp hội khách sạn Thái Lan, ông Phunut Thanalaopanich cho biết, lượng đặt phòng khách sạn trong thành phố giảm xuống còn 45%. Con số này thấp hơn nhiều so với mức dự kiến từ 80% đến 90% vào lễ hội té nước Songkran của người Thái.
"Không khí ô nhiễm ảnh hưởng trực tiếp tới việc kinh doanh của tôi. Du khách không muốn tới vì chẳng nhìn thấy cảnh quan", bà Sunat Insao, 53 tuổi, một tiểu thương bán nước cam, cho biết.
Lucy Cooper, du khách người Anh, đến Thái Lan du lịch cùng chồng con. Cô được khuyên không nên tới đây thời điểm này.
"Bầu trời chuyển sang màu đỏ rực vì khói và rất mờ mịt. Tầm nhìn cũng bị hạn chế", cô nói.
Trong khi đó, Chokchai Mongkolcho, một du khách đến từ tỉnh Roi Et thuộc đông bắc Thái Lan, đến Chiang Mai chơi nhưng bị thất vọng.
"Khói che hết vẻ đẹp thành phố khiến tôi phân vân không biết có nên quay lại đây lần nữa không", cô nuối tiếc.
Nhằm giải quyết vấn đề chất lượng không khí tại các khu vực phía bắc đang xấu đi, Bộ Y tế Thái Lan kêu gọi người dân nên tránh các hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang để lọc bụi mịn.
Vào tháng 3, thành phố lớn thứ 3 tại Thái Lan này đạt 289 trên chỉ số chất lượng không khí (AQI). Tuần vừa qua, chỉ số giảm còn 171 nhưng vẫn cao gấp 19 lần so với mức khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
"Bạn có thể sờ thấy bụi trên mặt mình. Tôi lau mặt bằng bông tẩy trang và thấy nó rất bẩn", chị Fernanda Gonzalez, 27 tuổi, du khách đến từ Mexico, tiết lộ.
Vào mùa khô từ tháng 2 đến tháng 6 hàng năm là thời điểm đẹp nhất trong năm để tới thăm "xứ chùa Vàng". Tuy nhiên, ông Kriengkrai Thiennukul, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, thừa nhận, khách du lịch có thể "hoãn chuyến đi tới Thái Lan hoặc tìm địa điểm khác có chất lượng không khí tốt hơn".
Số liệu thống kê từ Bộ Y tế Thái Lan cho thấy, từ đầu năm đến nay, khoảng 2 triệu người Thái Lan đã nhập viện vì ô nhiễm không khí.
Nguyên nhân do đâu?
Về vấn đề ô nhiễm, giới chức đổ lỗi nguyên nhân do cháy rừng cũng như việc người dân địa phương và khu vực biên giới đốt rơm rạ trên cánh đồng.
Trong tuần này, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha cho biết đang phối hợp với hai nước Lào và Myanmar giảm điểm nóng ở khu vực biên giới nhằm kiềm chế khói bụi xuyên biên giới.
Chị Pathsharasakon Po, 36 tuổi, người dân Chiang Mai cho biết đang rất lo lắng về bệnh dị ứng của mình, thậm chí lo ngại với vấn đề ung thư.
"Tình hình mỗi năm một tệ hơn", chị nói.
Theo ông Weenarin Lulitanonda, người đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ mạng lưới không khí sạch Thái Lan, lượng không khí người dân miền bắc Thái Lan đang hít thở mỗi ngày "làm rút ngắn 3-4 năm tuổi thọ".
Ông Weenarin hiện cố gắng kêu gọi chính phủ giải quyết vấn đề được xem là "thảm họa môi trường nghiêm trọng nhất khu vực".
Ở thời điểm hiện tại, bụi mịn dày tại Chiang Mai ở mức không thể phớt lờ được. Nhà chức trách đang tiến hành phun nước vào không trung ở khu vực trung tâm thành phố, tạo mây từ các máy bay quân sự.
Trong khi đó, bác sĩ Rungsrit Kanjanavanit làm việc tại một bệnh viện ở Chiang Mai, cho rằng chính quyền chưa "hành động đủ quyết liệt để giải quyết vấn đề".
"Điều này sẽ tác động tới nền du lịch nước nhà. Chúng ta cần quan tâm tới sức khỏe của du khách nhiều hơn", bác sĩ Rungsrit nói.