Tại sao cá thường nhầm rác thải nhựa là thức ăn?
(Dân trí) - Rác thải nhựa được coi là "tử thần" với các sinh vật biển bởi chúng thường nhầm tưởng đó là thức ăn. Nhưng không phải ngẫu nhiên chúng bị nhầm lẫn như vậy.
Mỗi năm, khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa bị con người đổ vào các đại dương. Do vậy, một số vùng của đại dương chứa nhiều nhựa hơn. Và chúng vô tình trở thành thức ăn của các sinh vật biển.
Theo nhiều nghiên cứu, cá ăn rác thải nhựa bởi khi phân hủy, nhựa thành những mảnh nhỏ có kích thước tương tự như sinh vật phù du. Ngooài ra, các mảnh nhựa trong môi trường mặn của nước biển hoặc đại dương tiết ra thứ mùi giống như những sinh vật phù du khiến cá bị "đánh lừa" và ăn chúng.
Tiến sỹ Joseph Pfaller đến từ trường Đại học Florida (Mỹ) cho biết, túi nilong trôi nổi trên đại dương tựa như sứa biển, không chỉ giống về hình dạng mà còn bởi mùi hương. Theo lý giải, rác thải nhựa trong đại dương lâu ngày sẽ bị vi khuẩn và tảo tác động. Dần dần, chúng mất đi mùi hóa chất vốn có và chuyển sang mùi tự nhiên hơn.
Đây được xem là "bẫy khứu giác" khiến các động vật đại dương đặc biệt là rùa biển dễ nuốt phải. Cá voi, chim biển cũng là những loài thường xuyên ăn nhầm những mảnh vụn rác thải nhựa. Hiện trên toàn cầu ước tính hơn 100 triệu động vật biển bị giết mỗi năm vì điều này.
Tại khu vực Đông Nam Á, một số động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng đã chết với lượng nhựa lớn trong dạ dày. Tháng 6/2018, một con cá voi được tìm thấy ở bãi biển Songkhla (Thái Lan) trong tình trạng bị chết nghẹn vì hàng chục mẩu rác nhựa nặng 8 kg trong bụng.
Và mới đây, vào ngày 9/9, một con chim cánh cụt đã chết ở bãi biển bãi biển Juquei ở bang São Paulo, Brazil. Kết quả xét nghiệm cho thấy con vật chết vì nuốt phải chiếc khẩu trang N95 vì nhầm tưởng đó là thức ăn.
Bên cạnh đó, một số sinh vật như hải sản lại là thức ăn của con người. Khi chúng ta ăn phải có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Do vậy, việc sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường như túi giấy, túi dứa rất quan trọng.