Sốc với những “căn nhà quan tài” nơi người nghèo Hong Kong tá túc qua ngày
(Dân trí) - Giá bất động sản tăng vọt tới 50 % khiến những người thu nhập thấp ở Hong Kong không có được cho mình một căn nhà đúng nghĩa. Họ sống trong những “căn nhà quan tài” ẩm thấp chật hẹp mà Liên Hợp Quốc mô tả “đó là sự xúc phạm tới phẩm giá con người”.
Người nghèo, người lao động thu nhập thấp tại Hong Kong sẽ ở đâu khi giá bất động sản tại đây tăng vọt tới 50%? Trong suốt những năm qua, khi giá thuê nhà liên tục “leo thang”, người thu nhập thấp chỉ có thể sống trong “nhà quan tài” với diện tích vỏn vẹn 1.9m2. Đó là nơi ông Wong Ziwa gọi là nhà.
Liên Hợp Quốc từng mô tả “nhà quan tài” là “sự xúc phạm tới phẩm giá con người”. Nhưng ông Wong không thể làm gì hơn khi giá thuê nhà ở Hong Kong liên tục ở mức “cao trên trời”.
Kể từ năm 2012 trở lại đây, giá nhà tại Hong Kong tăng gần 50%, là một trong những nơi có giá bất động sản đắt đỏ nhất thế giới. Nhiều căn hộ được chia diện tích nhỏ hơn, tạo thành “nhà quan tài”, qua đó đáp ứng nhu cầu về nhà ở ngày một tăng vọt.
Với “nhà quan tài” chật hẹp ẩm thấp nhưng ông Wong vẫn phải trả tới 226 USD tiền thuê mỗi tháng. Ông ở trong căn phòng “dạng lồng” thế này suốt 20 năm qua. “Tôi đã đăng ký xin một chỗ trong khu nhà ở xã hội của thành phố 2 năm rồi nhưng chưa có bất cứ hồi âm nào. Phải chờ đợi bao lâu nữa? Tôi cũng không dám chắc”, ông Wong tâm sự.
Những người như ông Wong là nạn nhân của việc khan hiếm nhà ở dành cho đối tượng lao động thu nhập thấp. Thống kế của chính quyền Hong Kong cho thấy, khoảng 200.000 người đang sống trong những căn nhà “quan tài” tương tự như vậy. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn rất nhiều.
Hiện chính quyền Hong Kong đang lên kế hoạch xây dựng 460.000 căn hộ trong thập kỷ tới. Nhưng Sze Lai Shan, một nhân viên xã hội cho rằng, chính sách ngắn hạn rất cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng nhà đất. Ông Shan cho biết, sống ở không gian nhỏ khiến người ở thậm chí không đủ chỗ duỗi thẳng chân. Với môi trường như vậy, họ có thể chịu nhiều tác động tâm lý và xã hội.
Điều duy nhất khiến ông Wong thấy may mắn hơn nhiều người khác đó là tình trạng độc thân. Ông không phải chia sẻ không gian sống với người khác hay những vấn đề riêng tư. Hiện tại, trước khi chính quyền Hong Kong đưa ra những thay đổi về chính sách nhà ở, nhiều người khác như ông Wong vẫn tiếp tục cuộc sống trong căn nhà “lồng” hay “nhà quan tài” mà không có lựa chọn thứ 2.
Việt Hà
Theo DM, BI