Sốc vì bị hét giá ở hồ Gươm: Đừng để Hà Nội xấu xí vì nạn chặt chém!
(Dân trí) - Từ việc nhóm bạn trẻ bị người bán hàng rong ở hồ Gươm "hét giá" 80.000 đồng cho một củ khoai nướng, một lần nữa dấy lên vấn nạn "chặt chém" vốn tồn tại nhiều năm qua không riêng tại Hà Nội.
Sốc với giá 80.000 đồng cho một củ khoai nướng
Ngày 3/12, Công an phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã mời người phụ nữ bán hàng rong tên T. (37 tuổi, trú phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) lên làm việc, vì bị tố "chặt chém" 80.000 đồng cho một củ khoai nướng.
Theo đó, rạng sáng 2/12, Nguyễn Thị Minh Hoàn (20 tuổi) cùng nhóm bạn rủ nhau ra khu vực hồ Gươm ăn đêm sau tan ca. Họ vào một quán bán ngô, khoai, nướng dọc vỉa hè hồ Gươm nằm trên phố Lê Thái Tổ.
Nhóm gọi 10 quả trứng nướng, 4 củ khoai nướng và 3 bắp ngô nướng. Đến khi thanh toán, bà chủ báo giá 580.000 đồng, trong đó 80.000 đồng một củ khoai nướng, trứng và ngô mỗi loại 20.000 đồng.
"Chúng tôi hốt hoảng hỏi lại thì bà chủ nói 'giá nhập khoai đã 40.000 đồng/củ'. Biết rằng trên hồ Gươm thì cái gì cũng đắt nhưng không thể đến mức như thế. Chúng tôi đành ngậm ngùi thanh toán 580.000 đồng và đăng bài chia sẻ lên các hội nhóm để cảnh báo", Hoàn nói.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên du khách quốc tế và nội địa phản ánh tình trạng "chặt chém" tại các điểm du lịch ở Hà Nội nhất là khu vực phố cổ và hồ Gươm.
Hồi tháng 9, hai sinh viên người Nhật Bản (học tại một trường Đại học ở Hà Nội) gọi xe taxi từ một ngân hàng trên đường Trần Quang Khải (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) đến phố Lý Thường Kiệt (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm).
Khi đến nơi đồng hồ hiển thị 42.000 đồng, tuy nhiên tài xế là L.Đ.H. (24 tuổi) đã lấy của khách gấp 10 lần số tiền trên.
Sau khi Công an quận Hoàn Kiếm vào cuộc, L.Đ.H. đã chủ động liên hệ xin lỗi hai du khách, đồng thời hoàn lại số tiền thừa 360.000 đồng.
Tháng 5/2022, một tài xế taxi ở Hà Nội đã bị đuổi việc do "chặt chém" hai khách nữ hơn 500.000 đồng cho quãng đường 14km.
"Chặt chém du khách là hành vi đáng bị xã hội lên án"
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng Ban Truyền thông Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, hành vi "chặt chém" khách du lịch trong và ngoài nước diễn ra khá phổ biến tại các địa điểm du lịch không riêng phố cổ Hà Nội, mà còn ở các tỉnh, thành phát triển du lịch khác.
Ông Hoan cho rằng, việc người phụ nữ bán hàng rong đẩy giá 80.000 đồng cho một củ khoai nướng, là hành vi đáng bị xã hội lên án. Đây vốn dĩ là hành động vi phạm đạo đức kinh doanh.
"Trong hoạt động kinh doanh thương mại, khách hàng muốn mua sản phẩm đúng giá và rẻ, còn người bán chỉ mong đẩy giá lên cao. Trong quá trình mua bán, đặc biệt với những giao dịch nhanh, không cần hợp đồng, khách hàng là những người xa lạ hoặc mới lần đầu mua hàng, thì thường bị rơi vào tình trạng giá bán cao hơn so với mức thông thường", ông Hoan cho hay.
Theo vị chuyên gia, việc nhóm bạn trẻ ăn xong mới hỏi giá rồi "ngã ngửa", phải ngậm ngùi thanh toán 580.000 đồng, thực sự là một sai sót. Bản thân ông cũng từng bị "chặt chém" khi đến một địa phương mới do không hỏi hoặc hỏi không kỹ người bán về thông tin sản phẩm như giá cả, chất lượng.
"Thực tế không riêng Việt Nam, ngay cả những nước phát triển ở châu Âu, hay Thái Lan, Singapore,… cũng xuất hiện tình trạng chặt chém. Tại đây, những người bán hàng rong tìm mọi cách tăng giá, tận dụng tất cả cơ hội chặt chém du khách", vị chuyên gia thông tin.
Theo ông Hoan, hệ lụy của việc "chặt chém" là làm xấu đi hình ảnh của các điểm đến du lịch. Từ tâm lý không thoải mái, du khách sẽ bị ác cảm với điểm đến, rồi tuyên truyền với những người thân, bạn bè về tình trạng này, đồng thời cảnh báo "thận trọng", từ đó làm mất đi tính hấp dẫn của điểm đến du lịch.
"Chỉ một hình ảnh xấu lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, thì mọi công sức xây dựng hình ảnh du lịch đều bị lung lay. Chúng ta phải cố gắng phòng hơn chống, nghĩa là đề phòng tất cả nguy cơ có thể xảy đến mà ảnh hưởng hình ảnh, đất nước và con người trong mắt khách du lịch", ông Hoan cho hay.
Vị chuyên gia đề xuất ba nhóm giải pháp trọng tâm nhằm xử lý tình trạng chặt chém. Thứ nhất, mỗi du khách trước hết hãy là một người tiêu dùng thông minh. Trước khi mua bất cứ một sản phẩm/ dịch vụ nào, du khách nên hỏi kỹ thông tin về giá, rồi mới quyết định có thực hiện giao dịch hay không?
Thứ hai, tại các điểm du lịch, cơ quan chức năng nên yêu cầu người bán đăng ký thông tin sản phẩm, niêm yết công khai giá bán để khách hàng "thuận mua vừa bán".
Thứ ba, các lực lượng chức năng từ tổ dân phố, công an, chính quyền địa phương,... cần vào cuộc và quản lý chặt chẽ, đồng thời ban hành các tiêu chí, quy định xử phạt hành chính. Nếu phát hiện hành vi vi phạm hoặc nhận được phản ánh từ du khách, các lực lượng cần kiên quyết xử lý mạnh để răn đe những người bán khác.
"Chặt chém" du khách có bị xử lý hình sự không?
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, trong mùa du lịch hay các dịp lễ, Tết, giá cả thường tăng "chóng mặt", khiến nhiều người cảm thấy bức xúc bởi giá thành cao nhưng chất lượng đồ ăn, dịch vụ không tương xứng với giá tiền.
Không chỉ "chặt chém" khách ngoại quốc, nhiều khách nội địa cũng cảm thấy "tái mặt" khi thanh toán hóa đơn tại các địa điểm du lịch.
Theo luật sư, nguyên nhân chủ yếu của vấn nạn này một phần do người bán viện cớ giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá món ăn cũng phải tăng để có lợi nhuận.
Ngoài ra, tại các quán ăn nhỏ hay vỉa hè thường không có thực đơn niêm yết giá, đến khi thanh toán, khách hàng mới "ngã ngửa". Mặt khác, nhiều khách hàng do tâm lý ngại hỏi giá, nên bị người bán lợi dụng để tính thêm các khoản tiền vô lý.
Luật sư Trần Xuân Tiền phân tích, căn cứ vào quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP người nào có hành vi bán cao hơn giá niêm yết hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân định giá (hàng hóa dịch vụ này không thuộc Danh mục bình ổn giá, hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hạn chế kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện), thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại cho khách hàng số tiền đã thu cao hơn giá niêm yết. Trường hợp không xác định được khách hàng để trả lại thì nộp vào ngân sách Nhà nước.
Đối với hàng hóa mà giá bán đã được kê khai, đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, nếu có hành vi tăng giá bán so với mức giá đã kê khai, đăng ký hoặc tăng giá theo giá ghi trong Biểu mẫu đăng ký hoặc văn bản kê khai giá với cơ quan quản lý Nhà nước, thì người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính về hành vi tăng hoặc giảm giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý theo quy định tại Điều 13 Nghị định 109/2013/NĐ-CP.
Theo đó, tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa mà mức phạt tiền đối với hành vi trên thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất lên đến 60 triệu đồng.
Luật sư cho hay, hầu hết các vụ "chặt chém" du khách đều ở mức tiền không lớn, nên khó truy cứu trách nhiệm hình sự mà chỉ xử phạt hành chính và tuyên truyền tại cơ quan, doanh nghiệp, địa phương.
Nếu trong trường hợp cá nhân thực hiện hành vi ép buộc khách hàng phải trả số tiền cao, đe dọa dùng vũ lực nếu khách hàng không trả tiền, thì có thể xác định có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170 Bộ Luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Mức phạt tù của tội này cao nhất có thể lên đến 15 năm, đồng thời bị phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
"Cơ quan chức năng cần tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân, đồng thời mạnh tay xử lý những trường hợp 'chém giá', thậm chí nêu gương để răn đe và giáo dục", ông Tiền nói.
Luật sư khuyến cáo khách du lịch nên học cách tự bảo vệ bản thân, như hỏi giá bán rõ ràng, chọn những quán ăn đông người địa phương, tránh những người môi giới, "cò mồi" hay quán có sự săn đón bất thường.
Du khách cũng nên tìm hiểu sẵn số điện thoại đường dây nóng của cơ quan quản lý tại điểm đến, để tố giác những trường hợp chặt chém khách du lịch, thậm chí yêu cầu đại diện chủ quán báo giá bằng giấy tờ để làm bằng chứng, tránh tình trạng sử dụng rồi mới khiếu nại.