Số phận cây đa bồ đề 150 năm tuổi ra sao sau vụ cháy kinh hoàng ở Hawaii?
(Dân trí) - Cây đa với tuổi đời hơn 150 năm tại thị trấn Lahaina, Hawaii (Mỹ) từ lâu trở thành "biểu tượng của hy vọng" nên rất nhiều người lo lắng không biết sau thảm họa cháy rừng liệu cây có thể sống sót?
Vụ cháy rừng xảy ra hôm 8/8 đã thiêu rụi hầu hết thị trấn nghỉ mát Lahaina thuộc đảo Maui, Hawaii (Mỹ), trong đó có cả cây đa bồ đề với tuổi đời hơn 150 năm vốn được coi là điểm đến yêu thích của nhiều du khách.
Thị trấn nằm ở phía tây của đảo Maui. Người dân địa phương từng sinh sống nhờ nghề săn cá voi. Nhưng đến nay, nơi này đã trở thành điểm đến nghỉ dưỡng nổi tiếng nhất ở quần đảo Hawaii.
Và cây đa cổ thụ nằm ở trung tâm thị trấn từ lâu trở thành nơi dừng chân không thể bỏ lỡ của du khách. Nhưng thảm kịch cháy rừng vừa qua đã làm thay đổi tất cả.
Năm 1873, cây đa vốn chỉ là một cây non cao hơn 2,4m. Đây vốn là một món quà được vận chuyển từ Ấn Độ tới thị trấn nhân dịp kỷ niệm 50 năm phong trào đạo Tin Lành đầu tiên ở Lahaina. Nơi đây từng là kinh đô của Vương quốc Hawaii. Hơn 20 năm sau, quần đảo Hawaii trở thành lãnh thổ của Mỹ.
Suốt hơn 150 năm tồn tại, cây đa đã phát triển thành nhiều nhánh xum xuê, phủ bóng mát lên thị trấn lịch sử. Một số nhánh vươn dài hơn 18m. Nhiều sự kiện cộng đồng được người dân tổ chức tại đây và xem cây đa như "trái tim", là "biểu tượng của hy vọng".
Trước khi thảm họa xảy ra, cây cổ thụ này vươn thành nhiều thân. Những nhánh cây vươn rộng, là nơi sinh sống của nhiều đàn chim sáo.
Ông John-Mario Sevilla, 60 tuổi, lớn lên ở Maui và thường cùng gia đình đến thăm Lahaina. Chia sẻ với NBC News, ông Sevilla nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, mỗi lần đi lễ nhà thờ, ông lại ngồi hóng những đợt gió biển thổi qua ô cửa sổ và xem điệu nhảy truyền thống dưới gốc đa.
Cũng như nhiều công trình lịch sử, cây cổ thụ này cũng chịu chung số phận dưới ngọn lửa dữ dội. Sau biển lửa kinh hoàng, cành lá của nó bị đốt cháy thành tro.
Điều này khiến nhiều người dân "khó chấp nhận sự thật". Cô Tiffany Kidder Win là một trong những người địa phương tự mình đi khảo sát mức độ sự sống của cây đa tới đâu.
"Dù bên ngoài cây đã cháy rụi, nhưng nhìn vào thân và rễ cây, tôi vẫn giữ một hy vọng rằng nó sẽ tiếp tục sống", cô Win nói.
Trong thông báo mới nhất của giới chức địa phương tại Maui có cập nhật về "tình hình sức khỏe" của cây đa. Một phần nội dung có đề cập tới việc "nếu bộ rễ khỏe mạnh, nó có thể mọc lại".
Còn với nhiều người dân và du khách, họ cảm thấy "đau lòng" khi "biểu tượng tinh thần" của quê hương đã bị thiêu cháy.
"Mỗi khi nghĩ tới cây đa ở thị trấn Lahaina, tôi lại khóc nhiều hơn. Nhưng chúng tôi sẽ xây dựng lại mọi thứ. Vẻ đẹp tự nhiên của Maui sẽ mãi trường tồn", một tài khoản chia sẻ trên Twitter.
Cùng chung "nỗi đau", ông John Sandbach, một cư dân sinh sống gần 2 thập kỷ tại thị trấn, khẳng định "cây đa bồ đề gắn với nhiều giá trị lịch sử cũng như trải nghiệm của du khách khi đặt chân tới".
Và với khách du lịch, khi tới Lahaina, họ muốn đặt chân tới khu vực cây đa đang sinh sống để tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và cuộc sống con người địa phương.
Đến nay, giới chức địa phương vẫn tiếp tục làm rõ nguyên nhân của trận cháy rừng. Tính đến ngày 12/8, ít nhất 80 người được xác nhận đã thiệt mạng sau thảm kịch.
Theo đài truyền hình Mỹ KCRA, đám cháy gây thiệt hại lớn trên đảo Maui và một số khu vực trên bờ biển Kohala của đảo Hawaii (đảo Lớn). Những phần còn lại trên đảo Hawaii cùng đảo nghỉ mát khác như Oahu, Lanai, Kauai, Molokai không bị ảnh hưởng. Các tour du lịch và dịch vụ tại các khu vực này vẫn hoạt động bình thường.
Thị trấn Lahaina nằm cách sân bay Kahului 45 phút và được coi là một trong những địa danh lịch sử quốc gia.
Mỗi năm, Lahaina đón khoảng hai triệu du khách ghé thăm, chiếm 80% lượng khách đến đảo Maui.