Sa mạc "đắt" nhất Trung Quốc, muốn đổi 1kg gạo lấy 1kg cát cũng bị từ chối
(Dân trí) - Trong quá khứ, phía Nhật Bản từng muốn đổi 1kg gạo lấy 1kg cát tại sa mạc này, nhưng đã bị chính quyền địa phương từ chối.
Khi nhắc tới sa mạc, thông thường du khách sẽ nghĩ tới những vùng đất khô cằn, hoang vắng nằm ở phía tây bắc của Trung Quốc. Trên thực tế, không phải tất cả những vùng hoang mạc của quốc gia này đều tập trung tại khu vực đó.
Tại thành phố Lâm Hương của tỉnh Hồ Nam thuộc miền nam Trung Quốc, một sa mạc được coi là "đắt nhất" từng tồn tại khoảng nửa thế kỷ. Đó là sa mạc Giang Nam với nhiều đặc điểm khác biệt so với những sa mạc thường thấy.
Nhắc tới tên địa danh này, nhiều người sẽ thấy khó hiểu. Tại sao một vùng có lượng mưa lớn hàng năm như Giang Nam lại hình thành sa mạc? Trên thực tế, đây là một sa mạc nhân tạo, ghi dấu ấn lịch sử trong công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Vào năm 1958, một doanh nghiệp tới thành phố Lâm Hương khai thác mỏ quặng chì - kẽm. Dự án có quy mô lớn lên tới hơn 4.000 công nhân. Vốn là vùng giàu tài nguyên khoáng sản, khi nền kinh tế địa phương cần phát triển, Trung Quốc đã điều động nhiều chuyên gia tới đây để khai thác. Ước tính, gần 100 tấn quặng đuôi được vận chuyển tới ngọn đồi gần đó bằng đường ống.
Sau 50 năm, sự lắng đọng của quặng đuôi đã hình thành một sa mạc nhân tạo ở phía nam sông Dương Tử với diện tích lên tới gần 300.000m2, độ sâu khoảng 50m.
Truyền thông Trung Quốc nhận định, sa mạc Giang Nam đã chứng kiến thời kỳ phát triển trong giai đoạn xây dựng kinh tế đất nước, là kết quả công sức đóng góp của hàng nghìn con người. Do sa mạc được cấu tạo từ quặng đuôi, cát tại đây rất mịn. Dưới ánh sáng mặt trời, cát lẫn kim loại ánh lên lấp lánh nên nơi này còn được gọi là "bãi bạc".
Khi biết thông tin về sa mạc Giang Nam, phía Nhật Bản từng đề nghị Trung Quốc tiến hành giao dịch dưới hình thức một cân gạo đổi lấy một cân cát. Thời điểm đó, tuy Trung Quốc gặp thời tiết xấu ảnh hưởng tới sản lượng ngũ cốc, nhưng lại từ chối đề xuất này.
Các chuyên gia lý giải, thứ Nhật Bản muốn trao đổi không phải cát thông thường mà là quặng đuôi. Tuy quặng đuôi là vật liệu xả thải, nhưng nó chứa hàm lượng khoáng sản có ích. Quá trình chế biến khoảng sản không thể đạt hiệu suất 100%, nên tuy là "phế liệu" nhưng vẫn được coi như tài nguyên quý.
Với một số quốc gia, chất xả thải này quan trọng hơn nhiều so với gạo. 90% sản phẩm năng lượng nội địa và 80% nguyên liệu thô của Trung Quốc đều từ tài nguyên khoáng sản. Những nguyên liệu thô này đều có thể sử dụng để sản xuất hàng hóa. Có thể thấy, tài nguyên khoáng sản rất quan trọng.
Hầu hết các nguồn tài nguyên khoáng sản trên thế giới đều có hạn. Vì vậy, chúng có thể được tái sử dụng hay không đã trở thành vấn đề được tất cả các quốc gia quan tâm.
Ngoài ra, sa mạc nhân tạo này còn mang tính lịch sử, chứng kiến công sức đóng góp của hàng nghìn người trong công cuộc xây dựng kinh tế quốc gia. Chính vì những nguyên nhân trên, cuối cùng chính quyền địa phương đã từ chối đề xuất của Nhật Bản.
Ngày nay, sa mạc Giang Nam đã trở thành điểm đến của những vị khách mê khám phá. Du khách tới đây thường trải nghiệm cưỡi ngựa, lái xe trên lớp cát lấp lánh như bạc, chiêm ngưỡng đàn lạc đà thồ hàng di chuyển như những sa mạc thường thấy.