Rùng mình xem cảnh cắm sừng trâu lên lưng để giác hơi chữa bệnh
(Dân trí) - Trên đường phố ở Jakarta, Indonesia, cảnh tượng cắm sừng trâu lên lưng để giác hơi không còn hiếm gặp.
Đoạn video thu hút hơn 18 triệu lượt xem ghi lại cảnh tượng người đàn ông cắm sừng trâu lên lưng khách để giác hơi trên đường phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia.
Được biết, đây là liệu pháp của người Indonesia, đồng thời là phương pháp chữa bệnh phổ biến ở nhiều quốc gia tại châu Á. Theo giới thiệu, giác hơi vốn là kỹ thuật để kích thích giúp giảm đau, cải thiện tuần hoàn máu.
Nếu như ở một số quốc gia châu Á, người ta làm nóng cốc thủy tinh rồi úp lên lưng để giác hơi, thì tại Indonesia, những chiếc sừng trâu lại được ưa chuộng hơn cả.
Sau khi nhấc sừng trâu ra khỏi lưng khách sẽ để lại những quầng màu đỏ sẫm. Tuy vậy, người dân địa phương tin rằng đây là cách giúp kích thích năng lượng bên trong cơ thể, giúp giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
Dù được xem là liệu pháp chữa bệnh khá phổ biến ở châu Á từ khá lâu, nhưng giác hơi vẫn là câu chuyện gây nhiều tranh cãi. Nhiều chuyên gia cho rằng, hiện chưa có bằng chứng y học kết luận tính hiệu quả của phương pháp này trong việc điều trị bệnh. Thậm chí, khi giác hơi bằng sừng động vật còn bị xem là nguy cơ gây nhiều tiềm ẩn rủi ro đe dọa sức khỏe.
Trên trang web của mình, Hiệp hội giác hơi Anh (British Cupping Society - BCS) từng lên tiếng cảnh báo về việc không tán thành sử dụng sừng động vật "do nguy cơ lây nhiễm cao và thậm chí lây nhiễm chéo".
Trên thực tế, phương pháp này đã xuất hiện từ rất lâu. Từ năm 1.550 năm trước Công nguyên, người Ai Cập cổ đại đã từng rất ưa chuộng phương pháp này. Đây cũng được coi là nguồn gốc của liệu pháp giác hơi. Ban đầu, họ sử dụng sừng động vật rỗng, sau rồi dần phát triển chuyển sang cốc tre và thay thế bằng cốc thủy tinh như ngày nay.