Indonesia: Nhốt người vi phạm cách ly vào "nhà hoang bị ma ám"

(Dân trí) - Lãnh đạo một địa phương ở Indonesia đã ban hành quy định trừng phạt những người vi phạm lệnh cách ly bằng cách nhốt họ vào "nhà hoang bị ma ám".

Nhốt người vi phạm cách ly vào "nhà hoang bị ma ám"

Quá mệt mỏi với những người vi phạm lệnh cách ly, bỏ bê các quy định của chính phủ, lãnh đạo một địa phương trên đảo Java, Indonesia đã quyết định đưa ra hình phạt "những kẻ phá luật" bằng cách nhốt vào một ngôi nhà hoang "ma ám" để làm gương cho người khác.

Indonesia: Nhốt người vi phạm cách ly vào nhà hoang bị ma ám - 1
Căn nhà hoang trên đảo dùng để nhốt những người trốn cách ly

"Nếu trong làng có nhà hoang bị ma ám, hãy nhốt họ vào đó và khóa cửa", bà Kusdinar Untung Yuni Sukowati, lãnh đạo huyện Sragen thuộc đảo Java, lên tiếng về biện pháp trừng phạt lạ lùng mới ban hành vừa qua.

Biện pháp này được đặt ra trong bối cảnh tình trạng dòng người đổ về huyện Sragen tăng nhanh trong thời gian qua khi thủ đô Jakarta cùng nhiều thành phố lớn bị phong tỏa do đại dịch Covid-19. Một số người trong số đó không nghiêm túc chấp hành quy định tự cách ly 14 ngày, trong khi đó, mật độ dân số ở huyện này đang đông lên.

Indonesia: Nhốt người vi phạm cách ly vào nhà hoang bị ma ám - 2
Bên trong một căn nhà hoang dùng để phạt người vi phạm

Trước tình hình trên, bà Kusdinar đã chỉ đạo giới chức địa phương bố trí những căn nhà hoang trong vùng được cho là "bị ma ám" để nhốt người trốn cách ly vào trong đó. Tính đến nay, ít nhất 5 người "bị giam" trong những căn nhà này. Họ vẫn được tiếp tế đồ ăn nước uống hàng ngày và theo dõi thường xuyên.

Ở làng Sepat, lãnh đạo địa phương đã chọn căn nhà bỏ hoang từ lâu, sắp xếp một số giường bên trong. Giữa chúng được ngăn bằng những tấm rèm. Đó là nơi được bố trí cho người cách ly mới tới.

Indonesia: Nhốt người vi phạm cách ly vào nhà hoang bị ma ám - 3

Anh Heri Susanto, mới từ đảo Sumatra trở về, là một trong những người từng bị nhốt trong "nhà ma ám". Hết thời hạn giam giữ và được trở về, anh Heri cho biết "đã nhận được bài học", bày tỏ sự thông cảm với chính quyền địa phương, đồng thời khẳng định điều này vì sự an toàn của người dân. "May là tôi chưa gặp phải con ma nào", anh Heri nói đùa.

Thú vị là, đây không phải lần đầu giới chức Indonesia dùng yếu tố tâm linh với hi vọng mọi người sợ hãi và phải ở nhà trong thời gian giãn cách xã hội. Trước đó, một ngôi làng tại "xứ sở vạn đảo" đã cử nhóm tình nguyện viên hóa trang thành thây ma đi tuần tra đường phố, nhằm ngăn người dân không ra khỏi nhà.

Huy Hoàng

Theo Odd

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm