1. Dòng sự kiện:
  2. Du lịch nghỉ lễ 2/9
  3. Đoàn 4.500 khách của tỷ phú Ấn Độ đến Việt Nam

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Rộn ràng ngày hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô ở Gia Lai

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Ngày 17/11, UBND huyện Ia Grai, Gia Lai tổ chức khai mạc Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng năm 2023 tại làng Dăng, xã Ia O.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện của Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Gia Lai năm 2023.

Sự kiện là một hoạt động cụ thể của việc thực hiện dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I: 2021- 2025 về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Dự án giúp khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa thông qua các hình thức khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm phục vụ phát triển du lịch; xây dựng chính sách và hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo, bồi dưỡng, truyền dạy những người kế cận; tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể.

Từ xa xưa, thuyền độc mộc là một phương tiện quan trọng trong đời sống sinh hoạt của bà con đồng bào dân tộc thiểu số người Jrai trên vùng Tây Nguyên.

Chiếc thuyền được chính tay bà con bản địa đục, đẽo từ những gốc cây lớn rỗng ruột. Những chiếc thuyền độc mộc này là phương tiện đi lại và đánh bắt thủy sản trên sông của người Jrai.

Gia-Lai_Dua-thuyen-doc-moc-Chi-Anh1.jpg

Rộn ràng không khí ngày hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô (Ảnh: Chí Anh).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiếc thuyền độc mộc của bà con dân làng thường dùng để vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược và đưa hàng ngàn bộ đội ta qua sông đánh giặc; góp phần làm nên các chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Trải qua thời gian, những chiếc thuyền độc mộc đã vắng bóng trên dòng sông vùng biên giới. Nhằm bảo tồn, lưu giữ, UBND huyện Ia Grai đã tổ chức lễ hội đua thuyền độc mộc trên dòng sông Pô Cô.

Gia-Lai_Dua-thuyen-doc-moc-Chi-Anh2.jpg

Hội đua thuyền năm nay có 39 đội tham gia tranh tài (Ảnh: Chí Anh).

Gia-Lai_Dua-thuyen-doc-moc-Chi-Anh3.jpg

Liên hoan văn hóa Cồng chiêng quy tụ nhiều nghệ nhân và người dân tham gia (Ảnh: Chí Anh).

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra tại bãi bồi làng Dăng (xã Ia O). Hội đua thuyền năm nay có 39 đội tham gia (tăng 9 đội so với năm trước) đến từ các xã, thị trấn, trường học, đơn vị bộ đội đứng chân trên địa bàn huyện Ia Grai và tỉnh Kon Tum.

Theo đó, mỗi thuyền sẽ có 2 vận động viên, tham gia tranh tài trên đường đua dài 1.000m. Có 8 đội xuất sắc nhất sẽ được chọn vào vòng chung kết hạng A; các đội còn lại sẽ tham gia vòng chung kết hạng B. Lễ bế mạc và trao giải ngày hội sẽ diễn ra vào trưa 18/11.

Song song với hoạt động đua thuyền độc mộc là Liên hoan Văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai thu hút hơn 13 đội cồng chiêng trên địa bàn tham gia.

Gia-Lai_Dua-thuyen-doc-moc-Chi-Anh4.jpg

Tiếng chiêng cùng với tiếng gõ của thuyền độc mộc đã làm ngày hội thêm tưng bừng ở vùng biên (Ảnh: Chí Anh).

Ông Lê Ngọc Quý, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, chia sẻ Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô và Liên hoan văn hóa Cồng chiêng được tổ chức thường niên nhằm bảo tồn, phát huy truyền thống, nét đẹp văn hóa độc đáo.

Qua đó, thúc đẩy phát triển dịch vụ du lịch, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đây là dịp để huyện quảng bá hình ảnh, giới thiệu đến du khách gần xa những nét văn hóa độc đáo, các điểm du lịch đẹp như làng chài, thác mơ, bến đò A Sanh, Khu di tích chiến thắng Chư Nghé, thác 3 tầng, thác 9 tầng, rừng Lùn...

Đến với lễ hội, du khách được trải nghiệm, khám phá nét đẹp thiên nhiên kỳ thú, hoang sơ, nơi núi sông hòa quyện với tiếng cồng, tiếng chiêng bên ánh lửa bập bùng cùng các điệu xoang quyến rũ.