Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Giữ gìn bản sắc dân tộc Jrai trong Tuần Văn hóa Du lịch Gia Lai 2023
(Dân trí) - Từ ngày 11/11, Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai 2023 chính thức bắt đầu. Với sự chuẩn bị chu đáo, đa dạng hoạt động, tuần lễ hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách yêu văn hóa, du lịch vào dịp cuối năm.
Gia Lai đang vào giữa mùa cắt lúa, người dân ai nấy đều bận rộn, nhưng ở ngôi làng Pleiku Roh (phường Yên Đỗ, thành phố Pleiku) tối nào, người ta cũng nghe thấy rộn ràng tiếng chiêng, tiếng nói cười ở khu vực nhà rông.
Đây là lúc gần 50 thành viên của các đội chiêng nhí, chiêng thanh niên và chiêng trung niên trong làng, hăng say dàn dựng và luyện tập các tiết mục tham gia Festival Văn hóa Cồng chiêng Gia Lai 2023 diễn trong hai ngày 11/11 và 12/11.
Anh Siu Thưm, thành viên đội chiêng thanh niên, cho biết, đoàn nghệ nhân của làng sẽ biểu diễn 4 tiết mục là phục dựng lễ cúng mừng lúa mới, hát dân ca, diễn xướng cồng Chiêng và hòa tấu nhạc cụ dân tộc.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Thành phố Pleiku: "Pleiku là nơi tổ chức nhiều sự kiện nhất trong Tuần lễ Văn hóa Du lịch Gia Lai 2023. Để đảm bảo các điều kiện tốt nhất, ngoài việc chuẩn bị các gian hàng, các tiết mục cồng chiêng, các xã, phường còn lên phương án đảm bảo an ninh trật tự, chuẩn bị các cơ sở lưu trú cho du khách ngoại tỉnh".
Tại huyện Krông Pa, không khí chuẩn bị cũng không kém phần sôi nổi. Năm nay, huyện cử 50 nghệ nhân tham gia nhiều hoạt động khác trong suốt tuần lễ diễn ra sự kiện của tỉnh.
Theo đó, các tiết mục diễn tấu cồng chiêng sẽ được biểu diễn trong festival; các nghệ nhân tái hiện nhiều nghề truyền thống như đan lát, tạc tượng, dệt vải trong lễ hội đường phố.
Để tạo ra một không gian văn hóa bản địa, đoàn sẽ chế biến các món ăn đặc trưng tại địa phương như cơm lam gà nướng, bò một nắng.
Tương tự, tại huyện Chư Păh, Lễ hội Hoa dã quỳ, núi lửa Chư Đang Ya cũng đã sẵn sàng. Dự kiến, trong không gian thiên nhiên tràn ngập sắc vàng của dã quỳ phủ kín những con đường, những nương rẫy và núi đồi tại các làng Jrai của xã Chư Đang Ya, lần đầu tiên, huyện sẽ phục dựng nguyên bản nghi lễ "Cúng lúa mới".
Nghi lễ là dịp để người Jrai tạ ơn các thần linh đã ban cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, yên bình cho mỗi gia đình và cầu nguyện cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt vào những năm tiếp theo.
Ban tổ chức sẽ tổ chức cuộc thi về các môn thể thao truyền thống như: Đẩy gậy, chạy cà kheo, kéo co, nhảy bao bố, leo núi cũng như các trò chơi dân gian như bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt vịt, đi xe đạp chậm…
Đây là dịp để người dân địa phương cùng giao lưu với du khách, cảm nhận các trò chơi, môn thể thao mang đậm sắc màu văn hóa Tây Nguyên.
Ngoài ra, du khách cũng có thể mua sắm ở các quầy hàng nông sản đặc trưng của địa phương như: Cà phê, hồ tiêu, chuối rừng, măng khô, rau sạch, cá sông Sê San; hay thưởng thức các món ăn đặc trưng như cơm lam, gà nướng, rượu ghè, lá mì, cà đắng, thịt nướng... ngay tại lễ hội.
Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 diễn ra từ 11/11 đến 18/11 với sự tham gia của khoảng 1.000 nghệ nhân trong và ngoài tỉnh. Tuần lễ sẽ được mở màn bằng Festival Không gian Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên quy tụ đoàn nghệ nhân của 17 huyện, thị xã, thành phố trên toàn tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên.
Với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, Tuần Văn hóa - Du lịch Gia Lai năm 2023 sẽ giới thiệu, quảng bá những đặc trưng văn hóa, nét đẹp của thiên nhiên, con người trên cao nguyên Gia Lai. Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cũng là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.