Quy hoạch cao nguyên đá Đồng Văn: Có giữ được vẻ hùng vĩ hoang sơ?

(Dân trí) - Cao nguyên đá Đồng Văn là những dải đồi núi, những hoang mạc đá mang vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ. Đây là Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được UNESCO công nhận đang thực hiện quy hoạch và phát triển. Liệu việc quy hoạch này có còn giữ được vẻ hùng vĩ hoang sơ?


Những bãi đá nhọn là cảnh quan đặc trưng của cao nguyên đá Đồng Văn

Những bãi đá nhọn là cảnh quan đặc trưng của cao nguyên đá Đồng Văn

ĐH Quốc gia Hà Nội được Chính phủ giao thực hiện Chương trình khoa học - công nghệ phục vụ và phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Một trong những điểm quan trọng nhất của chương trình là tư vấn qui hoạch và phát triển Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn - Hà Giang. Vậy việc quy hoạch này được thực hiện như thế nào? Có phá vỡ vẻ hùng vĩ hoang sơ của núi? Có giải quyết sinh kế, bảo tồn với Cao nguyên Đá ?

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQGHN về vấn đề này.

Chương trình khoa học - công nghệ phục vụ và phát triển bền vững vùng Tây Bắc mà ĐH Quốc gia HN đang triển khai đã có những thành quả ban đầu. Vậy những điểm quan trọng nhất của chương trình là gì, thưa ông?

Điểm quan trọng nhất của chương trình đang triển khai là đã nhận diện được các vấn đề lớn và cốt lõi cho sự phát triển vùng Tây Bắc. Cụ thể:

- Tập trung tháo gỡ chính sách để thu hút nhà đầu tư vào khu vực, nơi có điều kiện tự nhiên tương đối phức tạp và khó khăn, nhưng là vùng đệm quan trọng giữa khu vực Đồng bằng Bắc bộ và các vùng kinh tế của Trung Quốc. Làm sao để các nhà đầu tư vào và biến vùng này thành vùng sản xuất, tạo nguyên liệu xuất khẩu cho nước ngoài, cung cấp nguyên liệu cho vùng kinh tế Đồng bằng Bắc bộ.

- Tăng cường phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ bản sắc văn hóa các đồng bào dân tộc thiểu số. Hướng tới sinh kế công nghiệp không khói.

- Tăng cường công nghệ cao để triển khai phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp chất lượng cao cho xuất khẩu gắn với chỉ số ICOR cao nhất, tránh lãng phí tài nguyên đất và tài nguyên khí hậu của vùng, đặc biệt là đối với các loại nguồn dược liệu.

- Nhà nước tăng cường đề án, dự án ứng dụng công nghệ trong chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và phát triển nông thôn mới... để hỗ trợ các tỉnh tổ chức khai thác, quản lý tài nguyên khoáng sản và tài nguyên rừng một cách hiệu quả, đảm bảo bền vững cho khu vực đầu nguồn.


PGS.TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQGHN

PGS.TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban Khoa học và Công nghệ, ĐHQGHN

Thách thức đối với sự phát triển của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá

Được biết, đội ngũ cán bộ khoa học của ĐHQGHN đã tư vấn qui hoạch và phát triển Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn. Vậy những lợi thế và thách thức đối với phát triển cao nguyên Đá Đồng Văn như thế nào, thưa ông?

ĐHQGHN đã tiến hành quy hoạch bảo tồn và khai thác các giá trị di sản của công viên Địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang.

Sau khi quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, hoạt động kinh tế xã hội của khu vực vùng cao núi đá khu vực biên giới địa đầu của tổ quốc nơi thiếu đất và nước cho sinh hoạt và canh tác nông nghiệp nay đã phát triển vượt bậc.

Điều quan trọng nhất trong đó là đã tạo ra sinh kế mới về phát triển du lịch gắn với khai thác các giá trị di sản địa chất, địa sinh thái, địa văn hóa của vùng để đem lại các lợi ích kinh tế cho dân.

Bên cạnh đó đã thu hút ngày một nhiều các dự án đầu tư phát triển du lịch và các dự án đầu tư phát triển như làm đường, sản xuất dược liệu và khôi phục các hoạt động sản xuất của các làng nghề truyền thống.

Đặc biệt, dự án đã huy động mọi người dân tham gia làm kinh tế thông qua các hoạt động du lịch như nhiều nhà dân đã trở thành khu dịch vụ lưu trú cho du khách trong nước và quốc tế; nhiều mảnh đất hoang nay trở thành nơi thu hút du khách chụp ảnh với loài hoa, nhiều vùng đất đã trở thành các resort...

Thách thức đối với sự phát triển của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng văn là làm sao có đầu tư của nhà nước để giao thông đi lại trên trục đường chính Quốc lộ 4D được an toàn với du khách; các làng nghề truyền thống được phát huy tối đa để dược liệu của vùng, đặc sản nông nghiệp của vùng được đến với du khách và xuất khẩu.

Điều quan quan trọng hơn nữa là cần giữ được nơi đây vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ mà khó có nơi nào còn giữ được như ở Hà Giang trong một thế giới phát triển rất mạnh như ngày nay.


Đường cua ngoằn ngoèo giữa các ngọn núi từ Đồng Văn đi Mèo Vạc

Đường cua ngoằn ngoèo giữa các ngọn núi từ Đồng Văn đi Mèo Vạc

Vậy theo ông, yêu cầu đặt ra cho quy hoạch cao nguyên Đá như thế nào để thu hút khách du lịch và để giữ vững được vẻ đẹp hoang sơ hiện có của nơi này?

Trong quy hoạch cũng đã chỉ ra các chức năng cho từng vùng và từng lĩnh vực cần phải làm gì để thu hút du khách.

Thứ nhất, các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và quy hoạch xây dựng các khu vực thị trấn không được phá vỡ quy hoạch phát triển bao trùm, qua đó sẽ giữ được vẻ đẹp hoang sơ của cả vùng cao nguyên rộng lớn.

Thứ hai, tỉnh đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư để tạo nên cơ sở lưu trú thuận tiện phù hợp với các loại hình du khách nhưng hiện nay vấn đề này còn thiếu và yếu.

Thứ ba, các cấp bộ ngành quan tâm tới tập huấn cho dân để làm du lịch cộng đồng giống nhu tập huấn làm nông nghiệp, lâm nghiệp trước đây, vì đây là sinh kế quan trọng và sống còn của bà con trong khu vực công viên.

Lợi ích kép?

Việc gắn kết giải quyết sinh kế, bảo tồn cao nguyên đá Đồng Văn với phát triển rừng như thế nào? và cách làm nào là hiệu quả nhất, thưa ông?

Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, cách hiệu quả nhất là tuân thủ quy hoạch, khu vực nào là vùng địa sinh thái, địa văn hóa, địa chất di sản cần bảo tồn là bảo tồn. Còn khu vực không trong diện bảo tồn thì có thể phát triển.

Tuy nhiên cần có sự tương hỗ lẫn nhau để tạo nền một vùng sinh kế đặc sắc là vùng du lịch tổng hợp chứ không phải là vùng có chức năng là vùng công nghiệp hay dịch vụ...như ở các khu vực khác của tỉnh hay các tỉnh khác trong cả nước.

Nhà nước và chính quyền địa phương cần tập trung đầu tư mạnh vào khu vực công viên địa chất toàn cầu để phát triển du lịch tại đây đúng theo quy hoạch phát triển du lịch quốc gia. Bởi đây là 1 trong 10 khu du lịch trọng điểm quốc gia.

Cùng với Sapa thì Cao nguyên đá Đồng Văn là hai vùng du lịch miền núi quan trọng, tương ứng với các điểm du lịch biển và du lịch tâm linh trong cả nước.

Tập trung đầu tư phát triển du lịch nơi đây sẽ tạo ra lợi ích kép vì không chỉ tạo sinh kế bền vững của người dân mà còn tạo sự ổn định kinh tế xã hội cho vùng biên giới cực kỳ khó khăn, đồng thời gắn với bảo vệ rừng đầu nguồn và nước thượng nguồn.

Bên cạnh đó, cần tạo hình ảnh tốt với các vùng kinh tế bên kia của Trung Quốc như một điểm để thu hút phát triển du lịch của vùng biên với khoảng hơn 17 triệu dân của Trung Quốc sống xung quanh, nơi có giao thương với Hà Giang qua cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy và khu vực Công viên.


Vẻ đẹp hùng vĩ của vùng cao nguyên đá

Vẻ đẹp hùng vĩ của vùng cao nguyên đá

Thưa ông, chương trình khoa học công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc sẽ tiếp tục làm gì để khu vực phát triển?

Trong tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ, trên thế giới thường triển khai theo 04 bước, từ nghiên cứu khám phá để hình thành ý tưởng, tiếp đến là nghiên cứu triển khai và nghiên cứu gắn với sản xuất thử nghiệm, cuối cùng là nghiên cứu gắn với phát triển sản phẩm thương mại hóa.

Chương trình KHCN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc triển khai và đang đi vào kết thúc của giai đoạn một trong tổ chức nghiên cứu. Qua đó có thể thấy, chương trình cần tiếp tục để đưa các công nghệ cụ thể vào khai thác các dạng tài nguyên, gắn với quản lý một cách khoa học trên cơ sở bộ dữ liệu ban đầu đã thiết lập được.

Từ đó, đào tạo cụ thể thông qua các dự án nghiên cứu triển khai để từng bước người dân có thể ứng dụng công nghệ phù hợp, phát triển các sinh kế cho từng vùng, từng ngành tạo hàng hóa có giá trị cạnh tranh, gắn với xuất khẩu.

Xin trân trọng cám ơn ông!

Vết tích đại dương trên cao nguyên đá
Vết tích đại dương trên cao nguyên đá

Cao nguyên đá Đồng Văn là những dải đồi núi, những hoang mạc đá mang vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ. Đây là Công viên Địa chất toàn cầu duy nhất tại Việt Nam và thứ hai của Đông Nam Á được UNESCO công nhận từ năm 2010.

Nằm ở độ cao trung bình 1000 – 1600 mét so với mực nước biển, cao nguyên đá Đồng Văn có diện tích gần 2356 km2 trải dài qua 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc và Đồng Văn của tỉnh Hà Giang.

Để đến với cao nguyên, du khách phải trải qua những cung đường đèo khúc khuỷu, càng lên cao sương mù núi càng dày, du khách sẽ ngỡ ngàng hòa mình vào khung cảnh trữ tình của rừng núi.

Vượt qua chặng đường đèo khó khăn, trước mắt du khách hiện ra khung cảnh hùng vĩ hoang sơ của những dãy núi đá tai mèo sừng sững thuộc cao nguyên đá, nơi hội tụ những cảnh quan đa dạng có giá trị khoa học phong phú.

Hồng Hạnh