Quốc gia nào “hào phóng” nhất thế giới?
Myanmar được mệnh danh là đất nước “hào phóng” nhất thế giới, mặc dù sự hào phóng không dựa trên số lượng của cải vật chất mà chủ yếu về mặt tinh thần.
Nếu được hỏi quốc gia nào hào phóng nhất thế giới, nhiều người sẽ nghĩ tới những đất nước lớn mạnh về kinh tế. Tuy nhiên câu trả lời từ các nhà nghiên cứu sẽ khiến chúng ta phải ngạc nhiên. Đó chính là Myanmar.
Tổ chức World Giving Index có trụ sở tại Anh đã thực hiện một cuộc điều tra tại 135 nước để tìm ra đâu là quốc gia hào phóng nhất với 3 tiêu chí đánh giá: Số người từng bỏ tiền làm từ thiện trong vòng một tháng vừa qua; Số người từng làm các công việc tình nguyện trong vòng một tháng vừa qua; Số người từng giúp đỡ người lạ trong vòng một tháng vừa qua.
Có 500 đến 2000 người dân mỗi quốc gia tham gia vào cuộc điều tra này. Con số này ở Myanmar là khoảng 1000 người. Theo kết quả báo cáo, số điểm của Myanmar theo 3 tiêu chí trên như sau:
Số người từng bỏ tiền làm từ thiện: chiếm 91%; Số người từng làm các công việc tình nguyện: chiếm 51%; Số người từng giúp đỡ người lạ: chiếm 49%...
Ở vị trí thứ 2 của bảng xếp hạng là cái tên không quá bất ngờ, Hoa Kỳ, với kết quả 68% từng bỏ tiền làm từ thiện; 44% từng làm các công việc tình nguyện và 79% số người từng giúp đỡ người lạ.
Xét về số phần trăm người dân từng làm tình nguyện và giúp đỡ người lạ, Myanmar đang bám sát Mỹ. Tuy nhiên, về tổng thể, Myanmar lại đứng đầu về độ hào phòng nhờ vào sô phần trăm người dân từng bỏ tiền làm từ thiện rất cao 91%.
Vị sư trẻ đang trút chỗ cà ri cuối cùng cho một bé gái (Ảnh: AP).
Điều này có lẽ do ảnh hưởng lớn của văn hóa truyền thống và tôn giáo của Myanmar. Đất nước này có tới 500.000 ngàn nhà sư, chiếm 1% dân số toàn quốc. Tỷ lệ nhà sư tại quốc gia này cao hơn bất kỳ đất nước nào trên thế giới.
Cúng dường tiền và thức ăn cho các nhà sư là một điều được coi làm tăng giá trị mỗi người. Vì vậy mà được thực hành phổ biến ở Myanmar. Nhờ những hành động cúng dường này mà các nhà sư có thể chuyên tu, thiền định và tụng kinh.
Tuy nhiên ở Hlaing Tharyar, khu công nghiệp lớn nằm bên ngoài thủ đô, những nhà sư lại là người đem tặng lại thức ăn cho những người nghèo đói ở đây. Trong số họ, rất nhiều người là nạn nhân của cơn bão Nargis năm 2008, cơn bão khủng khiếp đã thổi bay hàng trăm ngàn ngôi nhà và sinh mạng.
Người phụ nữ Myanmar cúng dường cho chư tăng (Ảnh AFP / Getty Images).
Cứ mỗi sáng sớm trước lúc bình minh, và một lần nữa sau đó, hơn 50 nhà sư từ tu viện Mahar Aung Myae lại đi khất thực qua những con phố gồ ghề nơi mà những người dân đã đứng chờ sẵn, cầm trên tay đồ cúng dường cho các vị sư.
Khi những bàn chân trần này trở về tu viện, tất cả thức ăn được gom vào một chỗ và chỉ giữ lại đủ dùng. Rồi các vị sư mang đi cho lại những người nghèo khó hơn đang đứng xếp hàng chờ bố thì ngoài cửa với những túi nilon nhàu nát trên tay. Họ bao gồm những đứa trẻ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, những người thất nghiệp.
Mặc dù không phải một đất nước giàu có nhưng tấm lòng của người dân Myanmar và tinh thần “tương thân tương ái” của họ đã và đang giúp cuộc sống nơi đây tốt đẹp hơn.
Theo Đỗ Nam
Báo Giao thông