Quán phở "núp thềm" lai vị Bắc-Nam, khách phải canh giờ để đến ăn
(Dân trí) - Chỉ bán 3,5 tiếng mỗi ngày, quán phở của bà Đỗ Thị Kim Lan (56 tuổi, TPHCM) khiến khách hàng phải canh giờ để ghé ăn.
"Nếu muốn ăn phở phải dậy sớm, đến đúng khung giờ quán bán. Có khi đến 9h cũng chẳng còn món gầu mà mình yêu thích", chị Vy Tâm (28 tuổi, nhân viên văn phòng) nói.
Chị Tâm gọi vui đây là quán phở "bí ẩn nhất Sài Gòn". Bởi lẽ, quán nằm nép mình trước thềm nhà của quán cà phê tại khu vực Hồ Con Rùa, quận 3, TPHCM. Mỗi ngày, quán chỉ mở cửa từ 6h đến 9h30, không biển hiệu, không quảng cáo nhưng khách vẫn đến đông tấp nập.
Quán phở trên của gia đình bà Đỗ Thị Kim Lan (56 tuổi) mở bán từ năm 1987. Ban đầu, mẹ bà Lan bán phở trên chiếc xe đẩy nhỏ bằng gỗ. Phở có nước dùng thanh tao, nấu bằng xương ống bò, ít dùng gia vị. Mẹ bà là người phụ nữ gốc Hà Nam đem trọn vẹn hương vị phở quê nhà vào miền Nam.
Theo bà Lan, người miền Nam có phong cách ăn phở cùng rau mùi, giá, và chấm tương đen, không dùng bánh quẩy. Món phở dần được biến tấu để phù hợp với khẩu vị người dân nơi đây. Tuy nhiên, nước dùng phở vẫn giữ nguyên cách nấu trong suốt 35 năm.
Năm 1991, bà Lan đã ra bán phụ mẹ và dần kế thừa công thức nấu phở. Phở lai hương vị Bắc - Nam, đầy ắp thịt bò tái, gân, bò viên, gầu... khiến thực khách thích thú. Tiếng tăm đồn xa, quán phở ngày càng đông khách, có nhiều người ở nước ngoài về cũng tìm đến đây để thưởng thức.
Quán phở chỉ vỏn vẹn 8 chiếc bàn con, sức chứa hơn 20 người. Khách đến đông, bà Lan phải mượn nhờ bàn của tiệm bánh cuốn gần đó. Tuy nhiên, bà Lan vẫn không chuyển quán đến tiệm khang trang hơn mà chỉ duy trì ở vị trí cũ để khách hàng dễ tìm.
Gia đình bà Lan sinh sống ở tầng 4 của căn chung cư, tầng trệt là quán phở. Bà thường thức dậy từ 4h sáng để thái thịt, em gái nấu nước dùng, chồng bà dọn hàng. Phở chỉ bán tầm 2-3 tiếng là hết sạch, mỗi tô có giá từ 60.000-80.000 đồng, tùy theo lựa chọn của khách.
Sự xởi lởi, niềm nở của bà Lan là một trong những yếu tố khiến quán phở đắt khách. Người phụ nữ 56 tuổi cười chào, nói chuyện với khách trong suốt 3,5 tiếng quán mở bán.
Bà Lan cho biết khách hàng của tiệm phở đa số là dân văn phòng ghé ăn sáng. Vì thế, bà luôn muốn tạo sự vui vẻ, thoải mái cho họ trong thời điểm đầu ngày.
Khách đến ăn phở chỉ cần gắp vào tô. Sau khi dùng xong, bà Lan thường tặng họ kẹo, thêm trà đá. Hơn 9h30, gia đình bà Lan sẽ thay nhau dọn dẹp quán.
Anh Duy Lâm (32 tuổi) là khách quen của quán đánh giá, nước phở của quán là điểm nhấn đặc biệt nhất. "Vị ngọt thanh từ xương ống, thịt bò không phải từ bột ngọt nên ăn cảm thấy rất thích", anh Lâm nói. Đồng thời, sợi phở cũng tương đối nhỏ, mềm và thơm.
Theo anh Lâm, quán chỉ có hạn chế là bàn hơi nhỏ, thường kín khách nên không thoải mái. Tuy nhiên, bà Lan cũng rất nhiệt tình trong việc hỗ trợ khách hàng. Thậm chí, người phụ nữ này nhớ tên khách, nhớ luôn cả thói quen ăn phở của họ. Đó là lý do anh đến quán phở 1-2 lần mỗi tuần.