Chủ quán lẩu bình dân ở TPHCM gây "sốt" đeo 70 cây vàng lên người bán hàng
(Dân trí) - Nguyễn Cường (21 tuổi) kế thừa tiệm lẩu bò ba đời của gia đình từ 5 năm trước. Quán lẩu của anh luôn hút khách bởi bí quyết nấu nước dùng đậm đà, thơm lừng.
Quán lẩu gia truyền
Khoảng 17h, khách đã ngồi gần kín quán lẩu bò trên đường Tạ Quang Bửu thuộc phường 5, quận 8, TPHCM. Nồi nước dùng 400 lít nghi ngút khói, tỏa ra mùi thơm. Cường nhanh tay cho bò viên, phèo, xí quách bò... vào nồi, rải thêm hành tây, rắc tiêu. Nồi lẩu bò được dọn ra cùng mì, bún, cải bẹ xanh, rau má, mồng tơi, chấm cùng chao.
Khách đến quán đã quen với hình ảnh của chàng trai "dát" gần 70 cây vàng, có giá trị hơn 3 tỷ đồng trên người. Anh là thế hệ thứ ba trong gia đình duy trì quán lẩu bò.
Cường kể, quán lẩu bò được khai trương cách đây 13 năm bởi ông nội anh. Sau đó, ba và mẹ anh lần lượt học nghề. Năm Cường 16 tuổi, anh theo chân mẹ ra quán và bán đến nay.
Quán lẩu mở cửa từ 2h trưa đã có khách đứng chờ. Một nồi lẩu có hơn 10 món từ bò, bao gồm lá mía, lòng đen, lá sách, cuống họng, gân, đuôi, phèo, nạm, pín bò, bò viên... Nước dùng đậm đà được ninh từ xương bê và các gia vị truyền thống.
"Khách ăn vào sẽ cảm nhận được độ ngọt từ xương, chứ không phải từ bột ngọt", Cường nói.
Khâu sơ chế nguyên liệu được xem là vất vả nhất, bởi lòng bò vốn rất khó khử mùi tanh. Cả quán có 30 nhân công, làm việc xuyên suốt 5 tiếng trước khi quán mở bán. Lòng mang về được trụng nước sôi, rửa muối, cạo sạch nhớt rồi luộc chín, thái mỏng để cho vào nồi lẩu.
"Riêng thịt nạm bò phải canh thời gian chính xác. Nếu luộc quá lâu bò sẽ bị rục, không ngon", Cường giải thích.
Mỗi ngày, quán lẩu bò gia truyền bán được khoảng 150-200kg lòng bò các loại, riêng ngày cuối tuần phải nâng số lượng lên 300-400kg. Nồi lẩu kích cỡ trung bình có giá 200.000 đồng, có khoảng 450 gram lòng bò trong nồi, đủ cho 2-3 người ăn no nê.
Chính vì giá mềm, quán Cường khá được lòng thực khách, dân lao động, dân văn phòng hay thậm chí là người nước ngoài, Việt kiều xa quê về cũng tìm đến đây.
Lẩu mang ra bàn cho khách luôn được giữ nóng trên bếp lửa nhỏ, có mùi thơm đặc trưng, vị đậm đà, chút beo béo của khoai môn, giòn sần sật của rau cải xanh, lòng bò chín mềm.
Sở thích đeo vàng độc lạ
Nhiều khách phương xa tìm đến ăn lẩu bò quyết gặp Cường cho bằng được, bởi anh nổi tiếng với sở thích "dát vàng" lên người. Bộ sưu tập của anh bao gồm 2 bộ vòng, 3 sợi dây chuyền, 10 nhẫn và 2 lắc tay.
Cường cho biết, anh thích đeo vàng từ khi còn bé. Khi trưởng thành, anh tích lũy dần để mua vàng nhưng chỉ cất trong tủ. Cách đây 4 năm, anh mới "dũng cảm" mang lên người để đứng bán lẩu bò.
"Ban đầu, mình chỉ mang vài chiếc nhẫn, sau đó đến dây chuyền. Khách thấy lạ nên xin chụp ảnh, quay video rất nhiều. Từ đó, mình thấy hết ngại nên đã đeo hết bộ sưu tập", anh kể.
Cường chỉ đeo vàng lúc làm việc để mọi người ngắm nhìn. Sau khi đóng cửa quán, anh sẽ tháo vàng ra chùi rửa và cất vào tủ. Anh cho biết bản thân chỉ mang vàng "tới lui" trong khu vực quán, không dám đi xa hơn sợ nguy hiểm, cướp giật.
Tổng khối lượng vàng là 3kg, tuy nhiên, Cường khẳng định anh đã quen nên không thấy nặng. Khách ghé quán cũng nhớ tới hình ảnh anh chủ quán đeo vàng, xởi lởi và niềm nở.
"Mình thấy khách yêu thích nhiều hơn là chỉ trích, xăm soi. Vì thế, mình sẽ luôn duy trì hình ảnh này", Cường tâm sự.
Anh Duy Lê (32 tuổi, ngụ quận 8) là khách hàng quen thuộc của quán lẩu bò gia truyền. Anh cho biết nước dùng ở quán "không lẫn vào đâu được", có vị ngọt từ xương theo kiểu nấu của người miền Tây.
Anh thường đến đây vào dịp cuối tuần cùng bạn bè. Tuy nhiên, khung thời gian từ 19-20h khá đông, có khi kín bàn phải đợi. Theo anh, mức giá lẩu bò bình dân, quán lấy lòng bò cho vào lẩu đều phải cân nên số lượng đảm bảo.