Quán phở gia truyền ở phố cổ "méo mặt" vì giá nguyên liệu tăng chóng mặt

Huy Hoàng

(Dân trí) - Quán phở gia truyền nằm giữa trung tâm phố cổ ở Hà Nội là một trong số những nhà hàng ở châu Á vốn có lượng khách quen cố định từ lâu nhưng vẫn đang phải chống đỡ với "cơn bão" giá.

Hàng loạt các quán hàng được ưa chuộng trên khắp châu Á đang phải hứng chịu cơn "bão giá". Tình hình lạm phát gia tăng khiến chi phí cho nguyên vật liệu tăng theo chiều hướng xoắn ốc.

Ẩm thực đường phố với giá cả phải chăng vốn là một phần không thể thiếu trong xã hội và nhiều nền kinh tế tại châu Á. Nhưng đứng trước việc giá thành leo thang, nhiều nhà hàng thừa nhận họ thấy áp lực. Chủ nhà hàng phải đối diện với lựa chọn hoặc tăng giá món ăn và có nguy cơ mất đi lượng khách quen trung thành, hoặc chấp nhận thu về lợi nhuận thấp.

Quán phở gia truyền ở phố cổ "méo mặt" vì giá nguyên liệu tăng chóng mặt

Tờ SCMP nhận định, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, từ kim chi, phở cho tới nhiều món ăn quen thuộc đường phố đều có giá nguyên liệu tăng. Thời gian gần đây, giá dầu lên cao khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu hơn trước.

Các phóng viên SCMP đã có dịp tới thăm những quán ăn nổi tiếng khắp châu Á để xem cách họ cố duy trì mức giá cũ thế nào nhằm giữ chân khách quen.

Tại khu phố cổ ở Hà Nội, Việt Nam, chủ một quán phở truyền thống cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch, vắng khách quốc tế cộng thêm việc người dân ngày càng cắt giảm chi tiêu ăn uống, họ đã mất đi quá nửa lượng khách bình thường.

Quán phở gia truyền ở phố cổ méo mặt vì giá nguyên liệu tăng chóng mặt - 1
Chủ quán phở tại Hà Nội cho biết cố gắng không tăng giá để giữ khách (Ảnh cắt từ clip).

"Giá cả từ hành, bánh phở và thịt đều lên giá, nhưng chúng tôi vẫn cố duy trì không tăng để giữ chân khách", chủ quán một quán phở ở phố cổ Hà Nội giãi bày.

Trong khi đó tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc, nhiều chủ nhà hàng cũng đang "vật lộn" với bài toán tăng giá. Kim chi vốn là món ăn truyền thống, xuất hiện trong các bữa ăn của người dân tại đây. Chủ nhà hàng này đã bán kim chi suốt 67 năm qua, nổi tiếng nhờ chất lượng và giá cả phải chăng. Nhưng gần đây, bà chủ phải "cân não" tính toán việc tăng giá thành sản phẩm.

Quán phở gia truyền ở phố cổ méo mặt vì giá nguyên liệu tăng chóng mặt - 2
Giá nguyên liệu tăng chóng mặt khiến chủ cửa tiệm kim chi ở Seoul đau đầu trong việc "giữ giá" cũ (Ảnh cắt từ clip).

"Giá nguyên liệu tăng lên rất nhiều. Nếu cứ đà này mà không tăng giá, tôi không trụ được nữa", bà Coi Sun-hwa, chủ quán kim chi ở Seoul, chia sẻ.

Các cửa tiệm ở Tokyo, Nhật Bản, cũng chịu chung câu chuyện về giá cả. Bát mỳ Udon tại nhà hàng này tăng lên khoảng 50 Yen (khoảng 9 nghìn đồng) trong thời gian gần đây. Chủ nhà hàng cho biết, giá dầu và bột mỳ tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tháng 3 vừa qua, giá dầu tăng lên mức cao nhất trong vòng 40 năm qua do ảnh hưởng từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.

Quán phở gia truyền ở phố cổ méo mặt vì giá nguyên liệu tăng chóng mặt - 3
Chủ quán mỳ Udon ở Tokyo, Nhật Bản, phải đắn đo rất nhiều lần trước khi quyết định tăng thêm 50 Yen một bát (Ảnh cắt từ clip).

"Giá đồ ăn tại quán chúng tôi buộc phải điều chỉnh. Việc tăng thêm 50 Yen là mức tăng khá lớn nhưng không còn cách nào khác để duy trì nhà hàng. Đây thực sự là một quyết định khó khăn", anh Yusuke Iwai, chủ quán mỳ Udon tại Tokyo, Nhật Bản, nói.

Câu chuyện "bão giá" cũng ập tới Hong Kong (Trung Quốc), khiến nhiều chủ tiệm phải lao đao. Vốn là chủ một nhà hàng dimsum nổi tiếng, nhưng người đàn ông này đang lo sẽ mất thêm nhiều "khách ruột" sau quyết định tăng giá bán. Nhà hàng này phải tăng 1 đôla Hong Kong cho mỗi phần ăn do chi phí vận chuyển nguyên liệu từ Trung Quốc đại lục sang đắt đỏ hơn so với trước kia.

Quán phở gia truyền ở phố cổ méo mặt vì giá nguyên liệu tăng chóng mặt - 4

Vừa tăng giá mỗi suất ăn, chủ quán dimsum ở Hong Kong (Trung Quốc) vừa lo mất khách (Ảnh cắt từ clip).

"Thường thì chẳng ai thích việc tăng giá. Đó là lý do khách không tới quán của bạn nữa", chủ quán dimsum bày tỏ sự lo lắng.

Những nhà hàng này đều phải đối diện với lựa chọn khó khăn, hoặc cắt giảm phần ăn thông thường, hoặc tăng giá trong thực đơn. Điều này có thể khiến họ mất thêm lượng khách không nhỏ nữa, vốn đã sụt giảm nhiều kể từ khi đại dịch bùng phát do không có khách du lịch.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm