Ô tô nối đuôi xếp hàng 3 tiếng chờ vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Phạm Hồng Hạnh Tuệ Minh

(Dân trí) - Thông thường, hành trình hơn 20km chỉ mất chưa đến một tiếng nhưng sáng nay khu vực Đại lộ Thăng Long hướng về bảo tàng bị ùn tắc, khiến cả nhà anh Hùng "chôn chân" trên xe 3 giờ đồng hồ.

Đi cả trăm ki-lô-mét chiêm ngưỡng các hiện vật lịch sử

12h trưa, vợ chồng anh Hùng (sống ở Đông Anh, Hà Nội) cùng 3 con trai ngồi ở sảnh Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam ăn tạm hộp trái cây mang từ nhà trước khi chuẩn bị chuyến tham quan các hiện vật.

Gia đình anh Hùng xuất phát từ Đông Anh lúc 9h. Thông thường hành trình hơn 20km chỉ mất chưa đến một tiếng nhưng sáng nay khu vực Đại lộ Thăng Long hướng về bảo tàng bị ùn tắc khiến cả nhà "chôn chân" trên xe 3 giờ đồng hồ.

Tắc đường kéo dài vì lượng khách thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự đông đúc (Video: Tuệ Minh - Hồng Hạnh - Cẩm Tiên).

Ô tô nối đuôi xếp hàng 3 tiếng chờ vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - 1

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thu hút đông đảo khách tham quan ngày 10/11 (Ảnh: Tuệ Minh).

"Gia đình tôi dự định tham quan bảo tàng vào tuần trước, nhưng các cháu bận học. Lỡ hứa với con rồi nên vợ chồng quyết định tuần này đi, không ngờ đông và tắc như vậy. Ngồi trên xe 3 tiếng khá mệt mỏi nhưng không thể quay lại vì trước và sau đều rất đông các phương tiện", anh Hùng nói.

Bước vào bảo tàng, gia đình anh Hùng ấn tượng về quy mô, sự hiện đại và các hiện vật mang dấu ấn của lịch sử qua các thời kỳ.

Người đàn ông kỳ vọng, chuyến tham quan giúp các con hiểu hơn về lịch sử của dân tộc, quá trình cha ông đã hy sinh xương máu để mang lại độc lập, hòa bình ngày hôm nay.

Ô tô nối đuôi xếp hàng 3 tiếng chờ vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - 2

Buổi trưa vẫn có rất đông du khách tại bảo tàng (Ảnh: Tuệ Minh).

 Sáng 10/11, trong dòng du khách tham quan bảo tàng không ít người đến từ các tỉnh xa, cách Hà Nội hàng trăm ki-lô-mét.

Thảo Nguyên (sống ở Đà Nẵng, cách Hà Nội hơn 500km) chọn Bảo tàng Lịch sử Quân sự là địa điểm ghé thăm trong lần thứ ba đến với Hà Nội.

Cô và bạn đồng hành đi xe máy từ quận Hoàn Kiếm, vượt qua quãng đường 15km để thực hiện chuyến tham quan đã ấp ủ từ lâu.

Ô tô nối đuôi xếp hàng 3 tiếng chờ vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - 3

Thời tiết nắng nóng, người dân nên mang theo ô, nón mũ khi tới tham quan bảo tàng (Ảnh: Tuệ Minh).

"Khi cách bảo tàng khoảng 2km, chúng tôi bị tắc đường, xe phải nhích từng chút. Khoảng một tiếng, chúng tôi mới thoát ra khỏi dòng phương tiện đông đúc", Thảo Nguyên chia sẻ.

Hành trình vất vả hơn so với dự kiến, mướt mồ hôi vì tắc đường nhưng cô gái Đà Nẵng cảm thấy rất có giá trị. Bởi, các hiện vật và dấu mốc lịch sử ở bảo tàng giúp Thảo Nguyên tự hào, trong lòng dâng tràn lòng yêu nước.

Theo Thảo Nguyên, nếu có điều kiện, khi Bảo tàng Lịch sử Quân sự trưng bày đầy đủ hiện vật ở các tầng khác, cô sẽ dành thời gian quay lại.

Bước chân theo từng ô trưng bày hiện vật, ông Đoàn Đức Bình, Cựu chiến binh Sư đoàn Phòng không 377 (ở Yên Bái), cẩn thận quan sát, đọc từng dòng chú thích và ghi chép vào sổ tay.

Người cựu chiến binh 70 tuổi cho biết, nhân dịp về gặp mặt ngày truyền thống của đơn vị cũ, ông dành thời gian đến thăm Bảo tàng Lịch sử Quân Sự.

Ô tô nối đuôi xếp hàng 3 tiếng chờ vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - 4

Ông Đoàn Đức Bình, Cựu chiến binh Sư đoàn Phòng không 377 hòa mình vào dòng người tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân Sự (Ảnh: Tuệ Minh).

Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, ông có nghe về bảo tàng nhưng không ngờ quy mô lớn và đồ sộ như vậy. Ngoài khu vực trưng bày trong nhà còn có nhiều hiện vật ở ngoài trời như máy bay, xe tăng, xe quân sự…

Người cựu chiến binh này cảm thấy tự hào hơn khi có nhiều bạn trẻ cũng đến thăm bảo tàng, thể hiện sự trân trọng với quá khứ hào hùng của cha ông.

Các hiện vật ở đây khiến ông Bình như sống lại một thời tuổi trẻ xông pha trên các chiến trường.

"Nhìn các hiện vật, tôi nhớ các đồng đội đã gắn bó thời máu lửa. Năm 1972, tôi nhập ngũ, tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, sau đó bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc… Lúc đó, chúng tôi lên đường nhập ngũ không hẹn ngày trở về, chỉ mong đất nước sớm có hòa bình, độc lập. Tôi mong thế hệ trẻ sẽ chung tay giữ nước, bảo vệ thành quả mà cha ông đã tạo dựng", ông Bình nói.

Đường tắc cứng, ô tô nối đuôi nhau vào bảo tàng

Ở cách Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chưa đầy 2km, chỉ cần di chuyển bằng xe máy khoảng 5 phút là có thể đến nơi nhưng chị Nguyễn Minh Hồng (chung cư Gemek 1, An Khánh, Hoài Đức) lựa chọn phương án đi taxi.

"Trước khi đi tôi đã tìm hiểu và được biết lượng khách đổ về bảo tàng rất đông, tắc đường, chờ đến lượt gửi xe cũng mất cả tiếng. Vì vậy, tôi chọn đi taxi để tiết kiệm thời gian gửi xe", chị Hồng nói.

9h ngày 10/11, chị vợ chồng chị Hồng cùng con trai 4 tuổi và một số họ hàng ở quê bắt 2 chuyến xe taxi đến bảo tàng. Tuy nhiên, di chuyển được hơn 1km, 2 chiếc taxi không thể nhích thêm bởi đường tắc cứng. Cả nhóm buộc phải xuống xe ở siêu thị đối diện, đi bộ khoảng 500m băng qua hầm chui Đại lộ Thăng Long đến cổng bảo tàng.

Ô tô nối đuôi xếp hàng 3 tiếng chờ vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - 5

Dòng người khắp nơi đổ về khu vực bảo tàng sáng 10/11 (Ảnh: Le Doanh Tuan).

Tới nơi, họ không khỏi choáng ngợp trước dòng người đổ về từ các ngả. Ngoài xe máy, ô tô con còn rất nhiều xe khách loại 29 hay 45 chỗ từ các địa phương khác đang xếp hàng chờ tới lượt vào bãi gửi.

Xuất phát từ Sóc Sơn lúc 7h30, gia đình anh Nguyễn Văn Thắng mất gần 2 tiếng mới có thể bước chân vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Anh Thắng kể, vợ chồng anh và 2 con mất 1 tiếng di chuyển đến đầu Đại lộ Thăng Long, 30 phút để vượt qua đoạn đường tắc 2-3km, tính thêm thời gian chờ gửi xe là gần 2 tiếng đồng hồ.

Ô tô nối đuôi xếp hàng 3 tiếng chờ vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - 6

Ùn tắc ở cả đường gom và các làn đường phía trong (Ảnh: Le Doanh Tuan).

"Di chuyển đường xa, tắc đường khá vất vả nhưng bù lại, chúng tôi được chiêm ngưỡng những hiện vật làm nên lịch sử hào hùng của dân tộc. Chúng tôi rất tự hào", anh Thắng nói.

Chị Thu Hương (nhà ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết, tranh thủ dịp cuối tuần, chị dẫn con trai đến tham quan bảo tàng. Di chuyển từ trung tâm Hà Nội về bảo tàng, hai mẹ con cũng gặp cảnh tắc đường hàng ki-lô-mét. Đến nơi chị thấy biển người tham quan đủ lứa tuổi từ trẻ nhỏ, thanh thiếu niên, các gia đình tới các vị cựu chiến binh, người cao tuổi.

"Người người chen chúc, có người còn cố tình leo trèo lên các hiện vật. Mẹ con tôi không dám vào bên trong, chỉ đứng bên ngoài ngắm mấy chiếc máy bay, xe tăng một lúc rồi về", chị Hương kể.

Chị Hương cho biết, sẽ quay lại bảo tàng vào một dịp khác, vắng người hơn để có thể chiêm ngưỡng các hiện vật, tìm hiểu thật kỹ về các câu chuyện lịch sử.

Ô tô nối đuôi xếp hàng 3 tiếng chờ vào Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - 7

Đến 12h, dòng phương tiện vẫn không ngừng đổ về bảo tàng (Ảnh: Tuệ Minh).

Hàng chục nghìn người đổ về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trong sáng 10/11 đã khiến giao thông tuyến đường Đại lộ Thăng Long quá tải. Hướng từ trung tâm thành phố về bảo tàng kẹt cứng.

Thời tiết nắng gắt khiến việc chờ đợi càng thêm mệt mỏi. Không chỉ đường gom Đại lộ Thăng Long ùn tắc mà tình trạng này cũng xảy ra ở bên trong đường cao tốc.

Trên nhiều diễn đàn, cư dân mạng liên tục chia sẻ những dòng trạng thái khuyến cáo về đoạn đường ùn tắc qua bảo tàng và gợi ý các tuyến đường di chuyển thay thế.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được xây dựng tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội), nằm sát mặt đường Đại lộ Thăng Long.

Đây là dự án cấp đặc biệt, do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam làm chủ đầu tư, được triển khai xây dựng trên khu đất có diện tích hơn 74ha. Sau 28 tháng triển khai thi công, bảo tàng đã hoàn thiện giai đoạn 1.

Kiến trúc bảo tàng không chỉ đơn thuần là một công trình trưng bày về lịch sử chiến tranh, mà còn tạo một không gian chung để khách tham quan tương tác và trải nghiệm về cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam được thiết kế hiện đại, có 6 chủ đề trưng bày chính với hơn 150.000 hiện vật quý, trong đó có 4 Bảo vật quốc gia được trưng bày tại đây.

Bốn Bảo vật Quốc gia gồm: 2 máy bay MIG-21, số hiệu 4324 và 5121, xe tăng T54B số hiệu 843, Bản đồ quyết tâm chiến đấu trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.